Khó phạt xả rác, tiểu bậy dù mức phạt tăng gấp 10 lần

Sáng 16-10, Sở Tư pháp TP.HCM đã tổ chức hội nghị “Quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trên địa bàn TP.HCM - Thực trạng và giải pháp” dưới sự chủ trì của bà Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP) cùng sự tham gia của đại diện các sở, ban, ngành, UBND quận/huyện ở TP.

Không dễ phạt vứt rác bậy, tiểu bậy…

Tại hội nghị, một vấn đề gây chú ý là khó khăn, vướng mắc trong công tác xử phạt VPHC trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đại diện Sở TN&MT TP, hiện nay mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm vệ sinh nơi công cộng (vứt rác bậy, tiểu bậy…) đã tăng gấp 10 lần so với trước nhưng cơ quan chức năng rất khó phạt. Bởi lẽ vi phạm thường diễn ra nhanh, không cố định nên khó phát hiện, người vi phạm chủ yếu là người dân, mức phạt cao nên khó khăn trong việc chấp hành nộp phạt. Ngoài ra, lực lượng kiểm tra còn mỏng, kiêm nhiệm, chưa có cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin từ người dân, trang thiết bị thùng rác chưa được bố trí đầy đủ, việc sử dụng thiết bị ghi hình làm bằng chứng vi phạm còn hạn chế, chưa rộng rãi.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng khó tổ chức thực hiện vì không có quy định về việc tạm giữ giấy tờ nhân thân của người vi phạm, chưa có quy định cưỡng chế phù hợp khi người vi phạm không chấp hành... Mức phạt tiền đều thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp huyện nhưng lực lượng kiểm tra lại là UBND cấp xã nên không phát huy được vai trò, trách nhiệm của địa phương.

Việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật cũng gặp khó khăn khi các hành vi trên hiện cùng được điều chỉnh tại Nghị định 155/2016 và Nghị định 167/2013 nhưng hai nghị định này lại có mức phạt tiền khác nhau (Nghị định 167/2013 có mức phạt thấp hơn nhiều). Hiện nay chưa có hướng dẫn áp dụng nghị định nào là phù hợp nên dẫn đến việc áp dụng có thể chưa thống nhất.

Từ đó, đại diện Sở TN&MT TP đề xuất sửa đổi Luật xlVPHC theo hướng nâng thẩm quyền phạt tiền của chủ tịch UBND cấp xã tương ứng với việc tăng mức tiền phạt để đảm bảo tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về môi trường cấp cơ sở. Cùng đó là bổ sung một số chức danh được sử dụng phương tiện ghi hình làm cơ sở xử phạt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đại diện sở này cũng cho rằng cần thiết phải giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản VPHC về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Đồng thời, vị đại diện này cũng đề xuất sử dụng nguồn tiền xử phạt VPHC về vệ sinh nơi công cộng để hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động của lực lượng này.

Đặc biệt, cần có cơ chế “phạt nguội” người vi phạm thông qua thiết bị ghi hình. Tuy nhiên, để việc xử phạt không tùy tiện thì thiết bị ghi hình phải do cơ quan quản lý nhà nước quản lý, sử dụng. Hiện nay đa phần địa phương đều có lắp đặt camera giám sát tình hình an ninh, giao thông. Do đó nên cho phép địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera an ninh hoặc camera giao thông để làm chứng cứ xử phạt...

Quang cảnh hội nghị tại Sở Tư pháp TP.HCM

Đưa người đi cai nghiện bắt buộc: Hàng loạt vướng mắc

Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP) cũng nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo ông Tuấn Anh, khó khăn lớn nhất của TP. HCM hiện nay là quản lý, xử lý người nghiện ma túy tổng hợp. Tổng số người có biểu hiện nghi vấn sử dụng ma túy được xét nghiệm là hơn 58.000, trong đó dương tính với ma túy hơn 40.000. Trong thời gian tới, mục tiêu là phải giảm cai nghiện bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện xuống còn 6% so với hồ sơ quản lý, tăng cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, người nghiện ma túy tổng hợp chiếm gần 70% tại các cơ sở cai nghiện. Họ thường loạn thần, không làm chủ được hành vi, dễ bị kích động và hiện chưa có phác đồ điều trị... Do đó nếu tập trung quản lý họ tại cộng đồng mà không có giải pháp phù hợp thì rất nguy hiểm, sẽ gây nhiều hệ lụy cho xã hội.

Bên cạnh đó, để lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện thì phải xác định tình trạng nghiện của họ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khó xác định bởi nhiều bất cập. Chẳng hạn có nhiều loại ma túy như cocaine, cần sa, bồ đà, các chất hướng thần mới chưa được quy định xếp nhóm để làm căn cứ xác định tình trạng nghiện. Chưa kể muốn xác định được tình trạng nghiện đòi hỏi phải giữ người nghiện, không cho họ sử dụng ma túy trong 48 giờ hoặc 72 giờ tại cơ sở y tế nhưng hiện nay không có quy định nào về tạm giữ người nghiện cũng như cơ quan có trách nhiệm tạm giữ...

Mặt khác, cho đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn việc giao cho gia đình, tổ chức quản lý người nghiện trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Ngoài ra, có nhiều loại ma túy mới nhưng chưa được định danh, chưa được cập nhật vào danh mục quản lý nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn...

Theo bà Phan Thị Bình Thuận, Sở Tư pháp TP sẽ tổng hợp tất cả ý kiến, khó khăn, vướng mắc trong quản lý nhà nước về công tác XLVPHC mà hội nghị đã nêu. Vướng mắc nào thuộc thẩm quyền Sở có thể xử lý được thì sẽ có hướng dẫn để tháo gỡ, vướng mắc nào không thuộc thẩm quyền thì Sở sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hướng dẫn.

Gần 1 triệu vụ vi phạm hành chính mỗi năm

Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng phòng Công tác thi hành pháp luật và Quản lý xpVPHC, Sở Tư pháp TP. hcm), trung bình mỗi năm TP phát hiện gần 1 triệu vụ VPHC.

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Tư pháp TP, VPHC tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như an toàn, trật tự xã hội, giao thông đường bộ, xây dựng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường… với các hành vi vi phạm như xây dựng không phép, sai phép, lấn chiếm lòng lề đường, xả rác…

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh (Phó Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Sở LĐ-TB&XH TP), số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại TP vẫn tăng lên hằng năm: Năm 2014 là 19.213 người, năm 2015 là 21.168 người, năm 2016 là 21.172 người, năm 2017 là 22.187 người…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới