Tại hội thảo, các doanh nghiệp (DN) và cơ quan quản lý trình bày nhiều vướng mắc trong việc sử dụng chứng nhận trên.
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu thể hiện sự chứng nhận về xuất xứ, nguyên liệu, cách thức sản xuất, chất lượng, độ an toàn... Hiện có khoảng 24 NHCN được bảo hộ, trong đó có bảy NHCN của nước ngoài. Các NHCN thường thấy là hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, rau Đà Lạt, chè Ba Vì, Bình Thuận Dragon Fruit, Vietnam Value...
Ông Phạm Vũ Khánh Toàn, Phó Chủ tịch hội, cho biết người chủ NHCN có thể là DN nên trong khi quản lý sử dụng NHCN, DN có thể buông lỏng về chất lượng sản phẩm, chạy theo lợi nhuận... Trong khi người tiêu dùng đặt nhiều niềm tin vào các NHCN. Vì vậy các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng cần theo dõi, lưu ý kịp thời.
Thế nhưng việc xử lý đối với các vi phạm về NHCN không dễ dàng, do có lỗ hổng trong quy định. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường cho ví dụ NHCN hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn là NHCN chỉ được dùng trong một năm, năm sau nếu đạt tiêu chuẩn thì DN mới được cho dùng tiếp. Có DN dùng tới năm, sáu năm, vậy là vi phạm quy chế về sử dụng NHCN nhưng làm sao xử phạt? Áp dụng quy định xử phạt vi phạm về nhãn hiệu cho NHCN là không thể, có thể bị khiếu nại về cơ sở pháp lý. Cơ quan xử lý phải đi đường vòng, dùng quy định về ghi nhãn hàng hóa mới tạm xử lý được.
Một khó khăn thường gặp về NHCN là làm sao để NHCN mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân, DN. Bà Lê Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Trước đây Sở hướng các DN, hợp tác xã đến việc đăng ký, sử dụng NHCN. Thế nhưng tính đầu ra cho sản phẩm, giá bán sản phẩm như thế nào thì Sở chịu!”. Hiện có năm sản phẩm có nhãn hiệu, hướng đến năm 2020 sẽ có 20 sản phẩm và băn khoăn lớn nhất là làm sao tiêu thụ được sản phẩm cho nhiều”.
Đại diện một đơn vị tư vấn chia sẻ: xây dựng, phát triển NHCN nên bắt nguồn từ DN. Phải chính từ DN nhìn thấy lợi ích kinh tế của mình, muốn xây dựng và phát triển NHCN sẽ liên kết với Sở, với UBND tỉnh để cơ quan quản lý hỗ trợ về xây dựng, quản lý. Sau khi xây dựng xong sẽ giao về cho DN khai thác lợi ích kinh tế.
QUỲNH NHƯ