Khoán xe công, xu thế xã hội hóa cần làm ngay

Hiện cả nước có khoảng 40.000 xe công, tiêu tốn 12.800 tỉ đồng mỗi năm, những con số khiến ai cũng phải giật mình. Trải qua nhiều lần đổi mới, đề xuất xã hội hóa công tác phục vụ ở các cơ quan hành chính (trong đó có xe công) được bàn nhiều nhưng tư duy bao cấp vẫn không đổi nên khó tạo được sự thay đổi.

Những năm 1980, cố Thủ tướng Phạm Hùng từng quy định chỉ có bộ trưởng mới có xe đưa đón, còn cấp thứ trưởng trở xuống dùng xe đưa rước chung. Thế nhưng rồi theo thời gian quy định này bị “quên”. Mãi đến năm 1999, Thủ tướng ra Quyết định 122/QĐ-TTg quy định rành mạch việc sử dụng xe trong các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp. Vấn đề xe công có thể tạm cho là ổn. Cái đáng nói là dần dà việc nhập nhằng công tư, nói thẳng ra là lợi dụng, dùng xe công phục vụ việc riêng ngày càng lộ ra. Thỉnh thoảng lại thấy Thủ tướng ra chỉ thị cấm sử dụng xe công đi chùa,
xe công rước dâu… là đủ thấy hiện tượng đó là có thật.

Việc khoán xe công tiết kiệm, ích nước lợi nhà sao các “công bộc” lại không mặn mà? Có thể chỉ ra hai lý do. Một là có xe công dùng riêng thì rất… oai, cái oai ấy sẽ tạo ra nguồn thu. Hai là do thói quen lạm dụng, quen xài đồ “chùa”. Xe của công ty nhưng vợ con, cha mẹ… cứ thoải mái sử dụng. Tài xế đương nhiên lại bổ vào kinh phí nhà nước dưới hình thức tiền làm ngoài giờ, thêm giờ… Cuối cùng Nhà nước và người dân lãnh đủ, thiệt đơn thiệt kép. Ở một số quốc gia giàu có hơn ta rất nhiều họ quy định chỉ có một số chức danh chủ chốt, cơ quan hoạt động trong những nhiệm vụ đặc thù mới có xe công vụ mà thôi.

Thẳng thắn mà nói, các chỉ thị hành chính không mấy hiệu nghiệm. Đã đến lúc phải thay bằng phương thức khác. Chẳng hạn thành lập các công ty dịch vụ phục vụ hoạt động cho các cơ quan hành chính. Cơ quan sẽ ký hợp đồng với các công ty này để giải quyết nhu cầu đi lại cần dùng xe. Làm như vậy sẽ tiết kiệm được khoản lớn, xóa bỏ việc lạm dụng xe công lại giảm được biên chế lái xe. Mô hình này có thể áp dụng cho cả dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, chăm sóc cây xanh, bảo trì điện nước, căn tin... để tinh giản bộ máy.  Thiết nghĩ việc xã hội hóa đầu việc phục vụ hoạt động của cơ quan công quyền là góp phần quản lý tài sản công có hiệu quả, ngăn ngừa tham nhũng, giảm đặc quyền đặc lợi, tạo công bằng xã hội. Mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, hy vọng khối tài sản của Nhà nước sẽ không rơi vào cảnh “núi cũng lở” khi trăm con sâu cùng chui vào đục khoét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới