Theo đó, đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) khẩn trương rà soát, xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe ô tô và tài xế hiện có đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tiêu chuẩn, định mức.
Đối với trường hợp các chức danh trên không có tiêu chuẩn đưa đón xe công từ nơi ở đến nơi làm việc đang được bố trí sử dụng xe, đề nghị các đơn vị chấn chỉnh, thực hiện đúng theo quy định. Các đơn vị chịu trách nhiệm trước bộ trưởng về kết quả thực hiện, báo cáo Bộ (qua Cục KHTC) trước 31-12-2016.
Đối với các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước mà Bộ Tài chính được giao thực hiện quyền chủ sở hữu (SCIC, VDB), Bộ Tài chính yêu cầu nghiên cứu khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công với các chức danh được sử dụng xe ô tô công đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, gồm chủ tịch HĐTV, HĐQT, tổng giám đốc.
Với doanh nghiệp nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối mà Bộ Tài chính được giao chủ sở hữu (Tập đoàn Bảo Việt), Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu, đề xuất HĐQT triển khai việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đối với một số chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc, gồm chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT... Đồng thời đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp trên có trách nhiệm xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe ô tô và lái xe hiện có đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo đúng tiêu chuẩn, định mức. Hoàn thành và báo cáo Bộ Tài chính trong tháng 12-2016.
Việc mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công và sắp xếp lại đội xe công của Bộ Tài chính được mở rộng sau khi bộ này thực hiện khoán thí điểm với các chức danh thứ trưởng Bộ Tài chính và chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ từ 1,25 trở lên (tổng cục trưởng và tương đương) từ ngày 1-10 vừa qua.