Theo chỉ đạo này, hằng tháng thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải báo cáo về khoán xe công tại cuộc họp giao ban hằng tháng và phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị rà soát tổng thể số lượng các tài xế hiện có để sắp xếp, bố trí lại, đặc biệt là các tài xế chức danh đã được khoán kinh phí. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các đơn vị không tuyển dụng thêm tài xế mới, giảm dần số lượng tài xế hiện có, sắp xếp, điều động từ nơi thừa sang nơi thiếu, điều chuyển dần tài xế phục vụ xe chức danh đã được khoán sang tài xế phục vụ công tác chung hoặc sắp xếp, bố trí làm công việc phù hợp khác.
Đối với số xe công hiện có, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương xây dựng phương án tổ chức, sắp xếp và xử lý số lượng xe công hiện có theo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Bộ Tài chính cho rằng cần phải có lộ trình thực hiện khoán xe công, sắp xếp lại số lượng tài xế hiện có chứ chưa thể áp dụng đồng loạt trên cả nước. Bởi điều kiện địa bàn cùng sự phát triển các phương tiện cá nhân, khả năng đảm bảo an ninh, an toàn cho các chức danh lãnh đạo cần phải được tính đến.
Cục Quản lý công sản cũng đang nghiên cứu về việc nhân rộng mô hình khoán xe công. Việc này có thể sẽ đưa vào nghị định hướng dẫn Luật Tài sản công. Luật này dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 5-2017 và có hiệu lực từ 1-1-2018. Khi luật này được thông qua, Cục Quản lý công sản sẽ đề xuất cơ chế cụ thể về nội dung khoán xe công.
Nhiều lãnh đạo bỏ cuộc Năm 2006, ông Trần Quốc Thuận khi đó là phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận khoán xe công. Hình ảnh ông ngồi sau chiếc xe ôm đi làm khi được báo chí đăng tải đã gây ấn tượng mạnh cho người dân. Ai cũng mong muốn hình ảnh giản dị ấy của quan chức như ông Thuận sẽ được nhân rộng. Nhưng một thời gian ngắn sau đó ông Thuận không đi xe ôm nữa. Năm 2014, ông Đỗ Mạnh Hùng lúc còn là phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cũng thực hiện việc khoán xe công. Nhưng sau đó ông Hùng cũng không nhận khoán nữa. Mới đây, Bộ Tài chính khoán xe công cho các thứ trưởng và hình ảnh Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí đi taxi đến cơ quan cũng được nhiều báo chí đăng tải và nhận được sự tán thưởng của công luận. Tâm sự với báo giới tại buổi họp báo thường kỳ quý III-2016 của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí tính: “Từ nhà tôi đến cơ quan hết 10 km, nhân với hai bận sáng chiều, 22 ngày làm việc và tính theo đơn giá 15.000 đồng/km, mỗi tháng tôi được khoảng 6,6 triệu đồng tiền khoán”. Ông Chí cũng thấy “mắc cỡ” khi nhận được nhiều cuộc điện thoại hỏi thăm, vì theo ông, không đi làm bằng xe này thì đi bằng xe khác. Ông Chí kể hồi còn làm chủ tịch tỉnh Tiền Giang, ông vẫn thường xuyên đi xe đạp để gần dân, hiểu dân. Thứ trưởng Chí cũng cho biết chủ trương khoán xe công là đúng đắn và đã có từ cách đây gần 10 năm về trước, tuy nhiên do quy định khoán dựa trên tinh thần tự nguyện nên ít người nhận khoán. CHÂN LUẬN tổng hợp |