Khởi động đàm phán tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

(PLO)- Sau nhiều tháng trì hoãn, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp bàn về phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 vào ngày 20-12.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, đầu tháng 8 là phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia để bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Tuy nhiên, sau khi nghe các bên ý kiến, hội đồng thống nhất hoãn thương lượng đến cuối năm.

Thu nhập không đủ chi tiêu

Nguyên nhân do kinh tế sụt giảm khiến hơn nửa triệu lao động mất việc, giảm giờ làm, CPI sáu tháng đầu năm tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát tăng 4,74%.

Dự kiến vào ngày 20-12, Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp phiên thứ hai bàn về tăng lương tối thiểu vùng năm 2024.

Kết quả khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho thấy thu nhập chỉ đáp ứng gần 70% chi tiêu, cho nên tăng lương tối thiểu là cần thiết Ảnh: HUỲNH DU

Phiên này, các thành viên hội đồng sẽ tiếp tục lắng nghe bộ phận kỹ thuật đưa ra báo cáo đánh giá, đề xuất về tiền lương tối thiểu vùng sẽ giữ như hiện hành hay tăng vào năm tới.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng đến nay mới khởi động đàm phán lương thì chắc chắn không kịp tăng vào đầu năm 2024. Vì tính từ lúc các bên họp bàn để chốt được mức tăng, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng cho tới khi nghị quyết điều chỉnh trình Chính phủ, ban hành và có hiệu lực cần quãng thời gian khá dài.

Theo Nghị định 38/2022, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ ngày 1-7-2022 đến hết 30-12-2023 theo bốn vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng.

Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ; vùng 2 là 20.000 đồng/giờ; vùng 3 là 17.500 đồng/giờ; vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

“Vì vậy, chỉ còn hai thời điểm thích hợp để tăng lương vào năm sau đó là ngày 1-4 hoặc ngày 1-7, như đã từng triển khai trong năm 2022” - ông Quảng cho hay.

Trong phiên đàm phán đầu tháng 8, công đoàn đề nghị tăng khoảng 6%, tức tiền lương tương ứng thấp nhất 195.000 đồng với vùng IV và 280.000 đồng với vùng I.

Đại diện người lao động cũng đã dẫn số liệu khảo sát về đời sống lao động nửa đầu năm 2023 cho kết quả thu nhập trung bình của công nhân đạt 7,88 triệu đồng, trong khi chi tiêu mỗi tháng của gia đình họ là 11,7 triệu đồng. Như vậy, thu nhập chỉ đáp ứng gần 70% chi tiêu của người được khảo sát.

Còn đại diện doanh nghiệp (DN) là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng trước mắt cần tìm kiếm đơn hàng, “giữ được việc cho lao động cấp thiết hơn tăng lương”.

Cùng thời điểm này, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cũng nêu quan điểm các công ty đang xây dựng kế hoạch kinh doanh với chủ trương không thay đổi mức lương tối thiểu vùng năm 2022, vì vậy việc điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm có thể tác động đáng kể đến việc quản lý DN.

“Còn việc điều chỉnh lương từ đầu năm 2023 chúng tôi không phản đối nhưng cần lưu ý mức điều chỉnh. Hiện các DN đang tiến hành điều chỉnh lương nên giả sử nếu tăng mức lương tối thiểu trong hai năm liền sẽ khiến DN không thể chịu được gánh nặng về chi phí nhân công…” - đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho hay.

Phê duyệt phương án điều tra về tiền lương

Để có cái nhìn tổng thể, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết cuộc họp tới đây tiếp tục đánh giá kỹ khả năng tăng lương vào năm sau.

Về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH cho biết đơn vị vừa phê duyệt phương án điều tra về lao động, tiền lương trong DN. Phạm vi điều tra tại vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, ĐBSCL.

Mục đích để thu thập thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, tiền lương trong DN. Từ đó cung cấp cho hội đồng cơ sở điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong năm 2025; phục vụ công tác quản lý, công bố định kỳ mức tiền lương bình quân trên thị trường lao động để DN và người lao động tham khảo, làm cơ sở thương lượng tiền lương.

Theo thông lệ, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp vào giữa năm để bàn về lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tiếp theo. Sau khi họp 2-3 phiên, hội đồng sẽ chốt phương án khuyến nghị mức lương tối thiểu vùng. Trên cơ sở khuyến nghị của hội đồng, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên toàn quốc của năm tiếp theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới