Giảm năm đóng BHXH để tăng số người hưởng lương hưu

(PLO)- Việc giảm thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục được hưởng lương hưu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi vừa gửi đến Quốc hội xin ý kiến, Chính phủ đề xuất giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống còn 15 năm.

Lo lắng kẽ hở khi giảm năm đóng BHXH

Theo đó, người lao động (NLĐ) nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu tỉ lệ tối thiểu 33,75% và cần đóng 35 năm để hưởng mức tối đa 75%. NLĐ nữ tham gia 15 năm hưởng lương hưu tối thiểu 45% và cần đóng 30 năm để đạt mức tối đa 75% lương tháng tính đóng.

Chính phủ khẳng định quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người đóng BHXH không liên tục dẫn đến không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hằng tháng.

Góp ý cho dự luật, trong văn bản vừa gửi đến Ủy ban Xã hội của Quốc hội giữa tuần qua, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã tổ chức phiên họp lần thứ bảy để cho ý kiến. Trong đó, các chuyên gia, nhà khoa học, thành viên hội đồng khoa học còn có nhiều quan điểm khác nhau.

giam nam dong BHXH.jpg
Giảm năm đóng BHXH xuống 15 năm chủ yếu hướng tới nhóm tham gia BHXH muộn. Ảnh minh họa: V.LONG

Cụ thể, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định theo hướng những người tham gia BHXH từ trước ngày luật sửa đổi có hiệu lực, điều kiện hưởng lương hưu là 15 năm đóng BHXH theo nguyên tắc lương hưu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của NLĐ. Với những người tham gia BHXH sau ngày luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), điều kiện hưởng lương hưu là 10 năm đóng BHXH. Mức chi trả sẽ theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi, bổ sung năm nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước; NLĐ làm việc không trọn thời gian và trường hợp không giao kết hợp đồng lao động.

Cạnh đó, có ý kiến cho rằng tuy giảm số năm tham gia BHXH phù hợp nhưng do thời gian tham gia BHXH ngắn nên lương hưu của nhiều người chắc chắn rất thấp. Từ đó, bài toán lương hưu thấp có đủ sống không lại được đặt ra, cần nghiên cứu thêm khoản trợ cấp từ Quỹ BHXH hay Nhà nước để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.

Cũng có chuyên gia lưu ý cần tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp đồng bộ khác, tránh tình trạng giảm năm đóng BHXH có thể làm nảy sinh kẽ hở dẫn đến việc lợi dụng BHXH một lần. Đơn cử, NLĐ có thể đề nghị giải quyết một lần sau khoảng 5-10 năm đóng BHXH, sau đó mới đóng lại liên tục những năm cuối để hưởng bảo hiểm hưu trí.

Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội

Cơ quan soạn thảo cũng “gắp” chính sách trợ cấp hưu trí xã hội từ Luật Người cao tuổi vào dự luật, đồng thời hạ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 xuống còn 75. Chính sách này khi đưa vào dự luật sẽ tạo tính liên kết với chính sách BHXH.

Cụ thể, NLĐ khi đến tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng), đồng thời chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Mức hưởng trợ cấp hưu trí tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của NLĐ. Đặc biệt, trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, NLĐ còn được hưởng BHYT do Nhà nước đảm bảo.

Góp ý cho chính sách này, Viện Nghiên cứu lập pháp nêu có ý kiến cho rằng quy định về điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội chỉ cần “NLĐ từ đủ 75 tuổi trở lên, không có lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp xã hội hằng tháng khác; không cần tính đến người đó có thu nhập khác ổn định hay không” liệu có hợp lý? Trong thực tế, nhiều trường hợp có thu nhập ổn định, thậm chí thu nhập cao, chẳng hạn chủ doanh nghiệp. Do đó, ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ, hợp lý hơn nội dung này.

Tiếp đó, dự luật chưa quy định mức đóng BHXH tối thiểu trong trường hợp trên là bao nhiêu. Điều này liệu có đảm bảo quỹ khi NLĐ có thời gian đóng BHXH quá ít, trong khi theo dự thảo luật quy định mức trợ cấp hằng tháng được tính thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội. “Ngoài ra, tính trợ cấp hằng tháng với mức cao hơn sẽ được xác định như thế nào cũng chưa được quy định rõ trong dự thảo luật…” - Viện Nghiên cứu lập pháp nêu ý kiến góp ý của các chuyên gia.

Về việc giảm năm đóng BHXH từ 20 xuống còn 15 năm dẫn đến lương hưu sẽ thấp, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH, lý giải: Với quy định trên, cho dù mức lương hưu của những người này có thể khiêm tốn hơn người có thời gian đóng dài song họ được nhận khoản lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh. Trong thời gian hưởng lương hưu họ còn được hưởng BHYT, góp phần đảm bảo cuộc sống tốt hơn khi về già.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm