Có nên bắt buộc chủ hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội?

(PLO)- Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận khi bàn về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đánh giá về dự thảo luật trình Quốc hội kỳ này, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết, dự luật có nhiều nội dung đã được tiếp thu, sửa đổi, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Tuy nhiên, bà Lệ cho rằng vẫn còn một số nội dung cần nghiên cứu thêm. Đơn cử về đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, dự thảo đã bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có: Chủ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

bắt buộc hộ kinh doanh đóng bhxh
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ góp ý Luật BHXH sửa đổi. Ảnh: VŨ THUỶ

Theo bà Lệ cần xem xét lại việc mở rộng đối với 2 đối tượng nêu trên, bởi những nhóm đối tượng này không phát sinh quan hệ lao động (chủ hộ kinh doanh vừa là chủ vừa là người lao động) và không hưởng lương, sẽ không có căn cứ xác định trách nhiệm và mức lương tham gia BHXH bắt buộc. Do đó theo quan điểm của bà Lệ "nên khuyến khích các đối tượng này tham gia BHXH tự nguyện sẽ phù hợp hơn”.

Cùng vấn đề, đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) bày tỏ sự băn khoăn về việc mở rộng diện bao phủ BHXH tại dự luật.

Theo bà, việc đưa nhóm chủ hộ kinh doanh vào diện đóng BHXH bắt buộc sẽ là “thách thức” trong việc xử lý vấn đề liên quan đến việc thu BHXH và quản lý nhóm đối tượng này (bao gồm cả người lao động giúp việc của các hộ kinh doanh) của các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan BHXH ở địa phương.

bắt buộc hộ kinh doanh đóng bhxh
Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý bày tỏ sự băn khoăn liên quan đến quy định về việc mở rộng diện tham gia BHXH của dự thảo. Ảnh: VŨ THUỶ

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khải, Ủy viên Thường trực Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội thì cho rằng theo Luật BHXH năm 2014, chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này (cả nước khoảng gần 4.000 chủ hộ).

Theo ông Khải, quan điểm bổ sung nhóm hộ có đăng ký kinh doanh là hợp lý, nhưng nên quy định tham gia BHXH bắt buộc theo hộ kinh doanh tương tự như BHYT hộ gia đình bắt buộc và nên có chính sách khuyến khích hỗ trợ như đã thực hiện BHYT hộ gia đình theo lũy tiến. Đồng thời hỗ trợ nhóm hộ chưa đăng ký kinh doanh để họ cũng tham gia BHXH tự nguyện theo các thành viên của hộ kinh doanh và từng bước chuyển sang hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh và tham gia BHXH bắt buộc (lưu ý cả 2 nhóm hộ này đều bao gồm tất cả người lao động tham gia làm công ăn lương trong hộ kinh doanh).

“Đây là giải pháp rất quan trọng để đẩy nhanh độ bao phủ BHXH toàn dân”- ông Khải nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Khải đề xuất dự thảo luật cần quy định lộ trình để tất cả lao động từ đủ 15 tuổi trở lên có tham gia lao động, có thu nhập về tiền lương đều phải tham gia BHXH (bắt buộc hoặc tự nguyện) trên cơ sở quản trị nhân lực và thống kê đầy đủ lực lượng lao động trên thị trường.

Lao động công nghệ có phải đóng bảo hiểm xã hội?

Đại biểu Trần Thị Diệu Thuý (Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM) đặt vấn đề đối với đối tượng lao động trên nền tảng công nghệ.

Theo bà, hiện nay nhóm lao động này rất nhiều như nhóm giao hàng công nghệ, xe ôm công nghệ…

“Tất cả làm việc trên hợp đồng liên kết, tuy nhiên đó cũng là một dạng lao động chứ không phải tự làm công, tự ăn lương, tự trang trải. Tất cả đều có hợp đồng ở dạng nào đó với đơn vị cung cấp nền tảng công nghệ”, bà Thuý nói và đặt vấn đề lực lượng này cần được quy định ra sao, bởi dự luật chưa làm rõ.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Xã hội cũng nêu hiện nay thị trường lao động ở nước ta xuất hiện nhóm người lao động mới (người vừa là người lao động vừa là chủ sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên sự chia sẻ công việc…) và có đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Do vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ làm rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc hay không (trong khi trên thế giới nhiều nước đã công nhận nhóm lao động này là làm công ăn lương...).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm