Khốn khổ khi hàng xóm gây ô nhiễm

Gần đây, báo Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều phản ánh của người dân về tình trạng đang phải chịu ô nhiễm mỗi ngày, mỗi giờ do hàng xóm gây nên, kèm theo đó là câu hỏi cách nào để trị dứt điểm.

Hàng xóm xả thải đủ kiểu

Anh Nguyễn Quang Chuyền (quận Bình Tân, TP.HCM) bức xúc: “Nhà hàng xóm dùng dầu diesel để nấu ăn, làm bánh xèo suốt ngày. Mùi dầu hôi nồng nặc từ sáng đến khuya. Vì suốt ngày phải hít mùi nhiều mà tôi hay nhức đầu, bị tức ngực, khó thở. Chúng tôi đã nhiều lần cầu cứu tổ dân phố và chủ nhà nhưng đến nay mọi chuyện vẫn như cũ”.

Không chỉ khổ vì mùi mà còn vì những “thứ” khác kinh khủng hơn, một bạn đọc kể trong hẻm nhà chị là một gia đình có người bị tâm thần. Do người nhà không theo sát chăm sóc nên người này cứ thản nhiên bài tiết, xả chất bẩn của cơ thể ra hẻm khiến cả con hẻm lúc nào cũng bẩn thỉu.

Chị Đỗ Như Cẩm (quận 9) thì bức xúc: “Nhà hàng xóm xây nhà vệ sinh lộ thiên, không có hệ thống tự hoại sát ngay bờ tường nhà tôi khiến cả khu vực bốc mùi. Nhà họ kinh doanh nên khách ra vào nhà vệ sinh thường xuyên, sống gần họ tôi không thể chịu đựng nổi, tôi phải làm gì để thoát khỏi cảnh này?”.

Bà con cứ khiếu nại ra phường

Đối với trường hợp người tâm thần xả chất bẩn ra ngoài đường, theo luật sư (LS) Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn LS TP.HCM, người tâm thần không thể kiểm soát hành vi của mình, là người mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ của họ có trách nhiệm kiểm soát, dọn dẹp để không làm ảnh hưởng đến vệ sinh công cộng hoặc những người xung quanh.

LS Lê Văn Hoan, Đoàn LS TP.HCM, cho biết việc dùng dầu diesel để nấu ăn thì luật không cấm. Tuy nhiên, khi sử dụng cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường cho những người xung quanh.

Riêng với trường hợp hàng xóm xây nhà vệ sinh lộ thiên gây mất vệ sinh, LS Lê Văn Hoan cho biết việc xây dựng các công trình vệ sinh trong phạm vi khuôn viên là quyền của người sử dụng đất, miễn sao công trình xây dựng đảm bảo về mặt pháp lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc sử dụng công trình vệ sinh này cũng phải đảm bảo vệ sinh môi trường cho mình và những người xung quanh.

Trường hợp người sử dụng có hành vi không thực hiện các quy định về quét dọn rác, khai thông cống rãnh trong và xung quanh nhà ở gây mất vệ sinh chung thì người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng theo quy định tại Điều 7 Nghị định 167/2013.

Cách tối ưu là người dân nên làm đơn khiếu nại gửi lên UBND phường nơi cư ngụ, yêu cầu phường can thiệp, giải quyết dứt điểm. Tùy vào mức phạt mà thẩm quyền xử phạt những trường hợp này thuộc chủ tịch UBND cấp xã hoặc cấp huyện.

Một nỗi khổ mà rất nhiều người dân đô thị (trong đó có các bạn đọcphuongminhman, Nguyễn Dương, Lê Châu Pha…) phải chịu đựng là chất thải từ những con vật nuôi của nhà hàng xóm xả ra trước cửa nhà, trong con hẻm nơi họ sinh sống.

LS Lê Văn Hoan phân tích: Khoản 1 Điều 7 Nghị định 167/2013 quy định hành vi để các loài động vật nuôi phóng uế ở nơi công cộng; nuôi động vật gây mất vệ sinh chung ở khu dân cư thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới