Nhà hàng xóm thì lúc nào cũng nói: “Nó chỉ giỡn giỡn vậy thôi chứ không cắn đâu em ạ. Nó hiền khô à!”. Họ chỉ chịu im lặng khi con chó của họ cắn người thật.
1.
Tôi chẳng thích chó cũng không ghét chó. Đơn giản là có cũng được, không có cũng không sao.
Nhiều người dắt chó đi dạo trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) mà không rọ mõm. Ảnh: SỸ ĐÔNG/Báo NLĐ
Nhà tôi ở quê vẫn nuôi chó để trông nhà. Trước tôi rất thích ăn thịt chó nhưng bốn năm trước, con chó nhà tôi bị bọn cẩu tặc trộm mất nên từ đó tôi cũng bỏ món ăn này. Con chó của tôi rất khôn và tình cảm. Chẳng phải vì mê tín hay sợ gì, đơn giản tôi nghĩ tôi thương chó nhà mình sao thì người ta cũng thương chó nhà người ta vậy. Không có người ăn thịt chó thì sẽ không còn người câu trộm chó, chỉ vậy thôi. Bốn năm rồi, kể từ khi con Vàng bị câu mất, tôi không còn ăn thịt chó nữa.
Nên tôi nghĩ nuôi chó hay mèo hay thú cưng heo, rắn… là quyền của mỗi người. Vấn đề là người nuôi nó phải thực sự có ý thức.
2.
Quay lại câu chuyện tôi bị chó cắn. Chuyện vừa xảy ra trưa nay. Đây đã là lần thứ hai bị mà mỗi lúc nhớ lại tôi lại nổi da gà khắp người.
Tôi ở nhà trọ, trong một căn nhà nguyên căn, nhà hàng xóm có nuôi một con chó. Họ nhốt nó ở cửa của họ nhưng vấn đề là cửa đó ngay sát nhà vệ sinh chung. Có hôm họ xích nó, có hôm lại thả rông.
Ngày đầu tiên chuyển về nhà này, nhìn con chó tôi đã hơi sợ nhưng người nuôi cứ tươi cười bảo rằng: “Không sao đâu em ạ, nó hiền lắm, em cứ đi đi, không sao hết”. Mọi thứ ở đây khá ổn, chủ nhà dễ chịu, hàng xóm dễ thương, chỉ có con chó làm tôi cứ vừa ngại vừa lo.
Đi đi về về rồi cũng quen mà không hiểu sao thỉnh thoảng con chó vẫn sủa. Ngán quá nên nhiều khi có nhu cầu dùng nhà vệ sinh tôi cũng ráng nhịn.
Mọi chuyện chỉ bùng nổ cho đến khi tôi bị nó cắn. Lần đầu tiên là buổi tối, nó nằm ngay trước cửa nhà vệ sinh. Tôi đã đánh động, gọi tên nó để nó tránh đi nhưng nó vẫn nằm ở đó. Tôi nói hai lần, chủ nhà vẫn ngồi trong nhà không động tĩnh gì. Tối rồi, đi đâu, tặc lưỡi mở cửa, đẩy đẩy cho nó đi. Vừa thò tay mở cửa ra, nó há miệng cắn một phát nhiệt tình khiến tay tôi tóe máu. Tới lần thứ hai, tình huống cũng tương tự như thế và lần này nó chọn điểm đáp hàm răng là đùi của tôi. Đau đớn và tức giận, tôi ức quá không nói nên lời.
Đương nhiên đến lúc này chủ nuôi phải xin lỗi, phải nói thông cảm, phải viện lý do abc... nhưng có thay đổi được gì không? Không và sẽ không. Có lần hai chắc chắn có lần ba nếu cứ tiếp tục thế này.
Nuôi chó làm ơn có ý thức. (Ảnh minh họa)
Người ta nói chó cắn thì đi tiêm phòng dại nhưng đâu đơn giản vậy. Tiêm thuốc phòng dại ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tuổi thọ và cả tinh thần.
Đó là chưa kể những phiền phức khác như nhà tôi ở tận tầng thượng nhưng từ đó xuống tới trệt lông chó cứ bay phấp phới khắp nhà. Lông chó dính khắp từ quần áo, nồi cơm… Hôm rồi mặc váy đẹp chuẩn bị đi chơi, xuống nhà như có linh cảm, săm soi lại bộ đồ tôi vợt ngay được nhúm lông chó to. Lông chó trắng, bộ đầm thì màu đen, nổi bần bật. Nẫu ruột gì đâu, may còn phát hiện sớm trước khi đi gặp bạn.
3.
Cũng còn may người hàng xóm còn biết dọn dẹp nên không bị ảnh hưởng nhiều về mùi hương.
Đi ra đường, nhiều khi thấy người ta thả rông cho chó đi dạo mà hết hồn. Con chó thì to đùng, không rọ mõm, không dây xích. Câu nói cửa miêng của họ là: “Nó hiền lắm, không sao". Có lúc con chó rượt đuổi theo người đi đường, hít hít, cắn trượt… chủ nuôi còn bật cười như vui lắm vậy! Tôi thì chẳng vui chút nào!
Không phải vô lý mà nhiều chung cư cấm nuôi chó, mèo. Lý do là nhiều người nuôi rất vô ý thức khiến người xung quanh ảnh hưởng quá nhiều, thậm chí nguy hiểm nên mới khiến người ra ác cảm. Có khi họ còn lên án ai không thích nuôi chó, mèo trong chung cư là “thiếu nhân văn” nhưng mà đợi đến khi nó cắn người thật thì đã muộn rồi!
Nuôi chó làm ơn có ý thức, đừng sướng thân mình nhưng lại hại người khác!