Mới đây, TAND TP.HCM đã đưa bị cáo Dimitrov Vitko Lyubomirov (quốc tịch Bulgari) ra xử sơ thẩm về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 226b BLHS).
Tòa tịch thu sung công tiền khắc phục hậu quả
Theo hồ sơ, khoảng 10 giờ 40 ngày 15-5, Dimitrov Vitko Lyubomirov dùng thẻ tín dụng giả rút tiền tại trụ ATM của Ngân hàng ANZ trên đường Pasteur (phường Bến Nghé, quận 1) thì bị nhân viên ngân hàng phát hiện, bắt giữ và giao cho công an xử lý.
Tại CQĐT, Dimitrov Vitko Lyubomirov khai nửa tháng trước cùng bạn nhập cảnh vào Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất để đi du lịch. Trong một lần đi chơi ở vũ trường, Dimitrov Vitko Lyubomirov quen với một người tên là Galin (chưa rõ lai lịch). Galin biết Dimitrov Vitko Lyubomirov chuẩn bị về nước bèn nói sẽ đưa hai thẻ tín dụng giả (làm giả thẻ do ngân hàng nước ngoài phát hành, có ghi chữ Camping Card Internationnal với các số 3101 và 4997) để Dimitrov Vitko Lyubomirov rút tiền mang về nước. Galin thỏa thuận trả công cho Dimitrov Vitko Lyubomirov bằng một nửa số tiền rút được.
Sau đó, Dimitrov Vitko Lyubomirov đã nhiều lần dùng hai thẻ tín dụng giả trên rút tiền tại các trụ ATM của các ngân hàng ở TP.HCM, chiếm đoạt tổng cộng 68 triệu đồng. Dimitrov Vitko Lyubomirov đã tiêu xài 21 triệu đồng cho đến khi bị bắt quả tang.
Quá trình điều tra, luật sư của Dimitrov Vitko Lyubomirov đã thay mặt gia đình bị cáo nộp 30 triệu đồng để khắc phục hậu quả. Mới đây, xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã phạt Dimitrov Vitko Lyubomirov ba năm sáu tháng tù. Do không có ngân hàng nào chịu nhận là bị thiệt hại nên tòa đã tuyên tịch thu sung công số tiền bị cáo nộp khắc phục hậu quả.
Bị cáo Dimitrov Vitko Lyubomirov đang trao đổi với luật sư sau phiên xử sơ thẩm của TAND TP.HCM. Ảnh: H.YẾN
Một vụ khác cũng không có ngân hàng nào đứng ra nhận bị thiệt hại tương tự là vụ Ilia Gavva (quốc tịch Nga) bị truy tố cùng tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ilia Gavva bị bắt quả tang dùng thẻ tín dụng giả rút tiền tại trụ ATM của Ngân hàng HSBC trên đường Phạm Ngũ Lão (quận 1) vào ngày 8-4. Tại CQĐT, Ilia Gavva khai nhập cảnh vào Việt Nam và mang theo 25 thẻ tín dụng giả (làm giả thẻ do ngân hàng nước ngoài phát hành). Chỉ trong một tháng, Ilia Gavva đã dùng 15 thẻ tín dụng giả thực hiện 31 lần giao dịch tại các trụ ATM của các ngân hàng Việt và chiếm đoạt tổng cộng hơn 28 triệu đồng.
Khi bắt Ilia Gavva, công an đã thu giữ được phần lớn số tiền chiếm đoạt nói trên. Xử sơ thẩm, TAND TP.HCM đã phạt Ilia Gavva ba năm tù, đồng thời tuyên tịch thu sung công số tiền bị cáo chiếm đoạt vì không ngân hàng liên quan nào chịu nhận mình bị thiệt hại và có ý kiến gì.
Ngân hàng nước ngoài không tham gia, không yêu cầu
Từ hai vụ án này, một số vấn đề pháp lý được đặt ra: Nếu không ngân hàng nào chịu nhận bị thiệt hại thì tòa xử bị cáo về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được không? Tòa có được tuyên tịch thu sung công số tiền bị cáo chiếm đoạt hay khắc phục hậu quả?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thẩm phán Vũ Phi Long (Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM) cho biết: Đặc điểm của tội danh trên là người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản. Trong các vụ người nước ngoài sử dụng thẻ tín dụng giả phát hành bởi ngân hàng nước ngoài, hầu hết các ngân hàng nước ngoài phát hành thẻ đều có quỹ để bảo hiểm rủi ro, còn các ngân hàng Việt Nam chỉ là đơn vị trung chuyển. Do vậy, khi các bị cáo sử dụng thẻ giả để cà thẻ mua hàng cũng như rút tiền mà ngân hàng nước ngoài chấp nhận thanh toán thì ngân hàng nước ngoài là tổ chức bị thiệt hại. Các ngân hàng Việt Nam có trụ ATM hay đơn vị cà thẻ tín dụng giả trong trường hợp này chỉ là người liên quan.
Trong thực tiễn xét xử án hình sự, việc tòa án Việt Nam triệu tập các ngân hàng nước ngoài tham gia tố tụng là rất khó hay có thể nói là không được bởi các ngân hàng nước ngoài cho đó là rủi ro và không có ý kiến gì. Vì thế, tòa vẫn xét xử các bị cáo bình thường và tuyên tịch thu sung công số tiền bị cáo chiếm đoạt hay nộp khắc phục hậu quả.
Lưu ý với ngân hàng Việt Với trường hợp bị cáo làm giả thẻ tín dụng của ngân hàng Việt Nam để rút tiền, Thẩm phán Vũ Phi Long lưu ý: Theo luật, các ngân hàng Việt Nam bị làm giả thẻ rút tiền là nguyên đơn dân sự. Các ngân hàng này phải hợp tác với cơ quan tố tụng, nếu họ không tự xác định thiệt hại để trình báo với cơ quan tố tụng và có yêu cầu bị cáo bồi thường thì đồng nghĩa với việc họ sẽ bị mất tài sản vì tòa sẽ tịch thu sung công số tiền bị cáo chiếm đoạt hay nộp khắc phục hậu quả thay vì trả cho ngân hàng. |