“Tôi sẽ cố để thoát cận nghèo luôn”
Một chiều mưa chập choạng tối, chúng tôi tìm đến nhà cô Yến Kim Lan (60 tuổi, phường An Lạc), một hộ sáu người vừa vươn lên thoát nghèo vào đầu năm 2018.
Cô Lan cho biết gia đình cô là một trong số ít hộ nghèo được hỗ trợ nhiều tiền và phương tiện sinh kế. Quỹ Vì người nghèo của phường trao 20 triệu đồng, quỹ Xóa đói giảm nghèo trao 50 triệu đồng để hỗ trợ cô Lan sửa nhà, nâng nền, làm nguồn vốn xoay xở buôn bán. Một phần trong đó cô dùng để nuôi chim cút kiếm thêm thu nhập, một ít nữa sau này để mua máy may, máy vắt sổ cho con gái có nghề mưu sinh.
Cô Lan kể: Hai năm trước, chồng tôi gặp tai nạn lao động rồi gãy chân, giờ không đi lại được nhiều; con gái thứ hai bị bệnh hiểm nghèo bẩm sinh, không làm lụng được gì. Cuộc sống vất vả, con gái út cũng đành nghỉ học dù đã lớp 12.
May thay, chính quyền “dang tay” kịp lúc để gia đình cô được vực dậy. Con gái út được học bổng học trung cấp thủy sản, con gái thứ hai được hỗ trợ cho đi học nghề. Ngoài 70 triệu đồng hỗ trợ trên, phường còn trao máy xay nước mía là phương tiện sinh kế cho cô Lan cùng con gái buôn bán .
“Tôi chỉ biết nói cảm ơn phường nhiều lắm. Nếu không có các cô chú ấy hỗ trợ, giúp đỡ chắc đã không có gia đình tôi của ngày hôm nay. Chúng tôi sẽ phấn đấu để sang năm thoát khỏi hộ cận nghèo luôn” - cô Lan nói.
Bà Lâm Sú Vân (trái, người Hoa, ngụ phường An Lạc A) được chính quyền hỗ trợ cần câu cơm là một máy ép nước mía, mang về thu nhập 100.000-200.000 đồng/ngày. Ảnh: LÊ THOA
Ghé nhà chị Trần Thị Lan (47 tuổi, ngụ phường An Lạc A), một hộ cũng vươn lên thoát nghèo vào đầu năm nay. Cái nghèo thường đi với cái eo, chị Lan cùng chồng nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học bằng nghề lượm, bán ve chai. Rồi căn bệnh thế kỷ va vào người chồng khiến vật chất lẫn tinh thần của gia đình suy sụp.
Hay chuyện, chính quyền phường An Lạc A đã hỗ trợ cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người chồng để uống thuốc điều trị, hỗ trợ học bổng cho các cháu đi học và cho chị Lan vay 30 triệu đồng để sửa nhà, mua một xe bánh tráng nướng, ngày ngày đẩy ra cạnh trường học bán. “Thực sự cuộc sống bây giờ của gia đình tôi đã khá hơn trước, nghỉ bán ve chai nên cả khu phố cũng sướng theo vì không còn cảnh ve chai ngổn ngang đường sá nữa. Chồng tôi cũng nhờ có thuốc thang, thấy được chính quyền quan tâm nên cũng vực dậy tinh thần, chịu khó chở hàng thuê rồi phụ tôi bán bánh.” - chị Lan trải lòng.
Kế bên xe bánh tráng nướng của chị Lan là xe nước mía của bà Lâm Sú Vân (51 tuổi), được chính quyền hỗ trợ tạo cần câu cơm cho bà Vân sinh sống. Bà Vân kể: “Trước đây tôi làm gia công móc phơi đồ và giúp việc theo giờ, rất cực mà cuộc sống còn khó khăn. Giờ đỡ hơn rồi, khu phố hỗ trợ kiếm mặt bằng, hỗ trợ điện nước bán nước mía cũng kiếm được 100.000-200.000 đồng/ngày”.
Vận dụng chính sách, giúp dân thoát nghèo
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết cách làm của quận là cho cán bộ phường, quận đi khảo sát đời sống, thu nhập của hộ nghèo và bàn với hộ gia đình đó xem họ có nhu cầu gì rồi mới xem phương tiện, nguồn vốn nào phù hợp với mỗi gia đình.
Trong hai năm qua (năm 2016 đến tháng 8-2018), quận Bình Tân đã vận dụng toàn bộ chính sách hiện có để giúp người dân thoát nghèo: Quỹ Xóa đói giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ Quốc gia giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, quận Bình Tân cũng xác định công tác đào tạo nghề và giới thiệu việc làm là một giải pháp hữu hiệu để thoát nghèo bền vững.
Song song là cấp thẻ BHYT năm cho toàn bộ hộ nghèo, cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo.
Nhìn nhận lại những nỗ lực của quận trong hai năm qua để hoàn thành chương trình giảm nghèo trước hai năm, ông Thiện cho biết giai đoạn giảm nghèo này sẽ bền vững hơn vì chuyện giảm nghèo không chỉ là chuyện tăng thu nhập mà còn giảm năm chiều thiếu hụt xã hội khác (giáo dục-đào tạo, y tế, việc làm - bảo hiểm xã hội, điều kiện sống và tiếp cận thông tin). “Tuy khó hơn nhưng khi làm được rồi thì việc giảm nghèo sẽ bền vững hơn” - ông Thiện tin tưởng.