Đó là tư vấn của thầy Lâm Quang Vũ, Phó Trưởng khoa CNTT trường ĐH Khoa học Tự nhiên (KHTN) TPHCM khi được hỏi liệu có nên chọn các ngành học “hot”.
Buổi tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp cho các học sinh quan tâm đến trường ĐH KHTN TPHCM này nằm trong chuỗi chương trình Tư vấn tuyển sinh & Hướng nghiệp “Chọn chuẩn trường – đi chuẩn đường” do Cổng Tư vấn Tuyển sinh và Hướng nghiệp của HOCMAI (huongnghiep.hocmai.vn) tổ chức miễn phí cho học sinh THPT trên cả nước.
|
Các chuyên gia đưa ra các lời khuyên cho học sinh trước ngưỡng cửa cho ngành, nghề. Ảnh: HM |
Triển vọng nghề nghiệp, cơ hội trên thị trường lao động luôn là mối quan tâm của mọi sinh viên, ĐH KHTN đã có sự chuẩn bị tốt cho việc này khi kết nối sâu với các doanh nghiệp. Nhà trường liên tục tổ chức các đợt thực tập thực tế, mời các chuyên gia trong từng môn học đến chia sẻ, rút ngắn khoảng cách kiến thức đến thực tiễn để các sinh viên có thể làm việc ngay sau khi ra trường, thậm chí, có thể làm việc ngay khi chưa tốt nghiệp. Tuy nhiên, học gì để có thể có việc lương cao luôn là nỗi băn khoăn không chỉ của sinh viên mà còn của phụ huynh.
“Không có ngành nào là nóng bỏng, chỉ có bạn ‘hot’ trong ngành đó hay không. Chỉ cần nổi bật trong ngành thì bạn không lo bị bỏ lại”, thầy Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin-Truyền thông KHTN TPHCM nhấn mạnh.
Ở một thời đại mà đòi hỏi các kiến thức rộng và sâu, chỉ cần có chuyên môn tốt ở một lĩnh vực, sinh viên có thể tìm thấy vị trí thích hợp trong xã hội. “Hãy có tư duy linh hoạt, thích ứng tốt với môi trường, khi các bạn không tìm thấy sự yêu thích lúc này, bạn cứ thử hình dung 4-5 năm tới, bạn muốn ra sao, cố gắng linh hoạt để đáp ứng” bằng cách đó, các sinh viên sẽ dần đi đến công việc mình muốn. Đó cũng là lý do mà ĐH KHTN TPHCM mỗi năm mở mới 1 ngành, hướng đến sự liên ngành, xuyên ngành, năm nay là ngành “quản lý tài nguyên và môi trường”, trước đó là “vậy lý y khoa”, những ngành có thể ứng dụng trong nhiều mảng ngành nghề khác nhau”, thầy Vũ nói.
CNTT là ngành mũi nhọn của trường ĐH KHTN TPHCM, khối ngành này được dành 960 trên 3.600 chỉ tiêu của toàn trường. Thầy Lâm Quang Vũ, Phó Trưởng khoa CNTT lý giải đó là do lĩnh vực CNTT ứng dụng trên mọi mặt xã hội, trải rộng ở tất cả các lĩnh vực, kể cả sức khỏe, tài chính, du lịch… Đó là ưu điểm của ngành để các bạn sinh viên yêu thích công việc và lĩnh vực xã hội khác vẫn có thể học và sử dụng trong các ngành riêng biệt đó.
Để trả lời câu hỏi về việc nếu chọn không đúng ngành, chưa tìm thấy đam mê học tập khi đã thành sinh viên thì sao? Thầy Quang Vũ đã kể câu chuyện của một MC nổi tiếng. MC này vốn là sinh viên của khoa CNTT của trường KHTN, từ việc dẫn chương trình cho các hoạt động sinh viên của khoa, bạn đã tìm thấy niềm đam mê của mình và trở thành một MC chuyên nghiệp. Một MC có bằng CNTT, và kiến thức chuyên ngành ấy đã giúp bạn trong nhiều chương trình, trong nhiều góc nghề mà các MC khác khó có được. “Chương trình tín chỉ tự chọn trong chương trình đào tạo là cách các bạn có thể chọn môn mình thích để duy trì đam mê học tập, nghiên cứu. Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, gặp gỡ doanh nghiệp, kết nối với nhau sẽ giúp các bạn tìm thấy và rèn luyện các kỹ năng. Ở các mô hình mở rộng đó, các sinh viên phần nào khám phá ra mình (đam mê, sở thích - PV), nhà trường tạo điều kiện cho các khám phá đó”, thầy Quang Vũ nói.
“Sự học là suốt đời, học cái gì và học như thế nào thì cũng phải nỗ lực, để khám phá, sự phát hiện ra niềm đam mê có thể đến một cách bất ngờ và đầy lý thú sau những nỗ lực ấy”, thầy Quang Vũ đúc kết.
PGS-TS Quách Ngô Diễm Phương, Trưởng khoa Sinh học - Công nghệ Sinh học ĐH KHTN kể, vào những năm đầu của khoa, đa số sinh viên là những thí sinh rớt trường Y vào học, khi học khoa học cơ bản, họ hoang mang và có khi bỏ dở chương trình. Nhiều sinh viên kiên trì, sau khi tìm ra hướng nghiên cứu riêng đã học lên tới tiến sĩ - sáng tạo để nhìn thấy xã hội đang cần gì, thực tiễn hóa kiến thức, tìm thấy điều lớn lao.
Trả lời câu hỏi của thí sinh rằng học công nghệ sinh học ra thì làm gì và liệu lương có cao không, cô Phương nói: “Công nghệ sinh học có các kiến thức phổ rộng, đáp ứng cho rất nhiều ngành nghề. Khi học xong chương trình, sinh viên có thể trở thành giáo viên dạy sinh học PTTH, đại học, hay làm ở các phòng xét nghiệm ở nhiều cấp độ. Có các sinh viên đã chủ động chế tạo, sản xuất các chế phẩm sinh học, trở thành người chủ. Như giữa đại dịch, các câu chuyện về giải pháp cho đại dịch đều bắt nguồn từ công nghệ sinh học. Người học có thể làm nghiên cứu phát triển sản phẩm như bột giặt, nuôi cấy mô… Mức lương cũng tùy thuộc vào khả năng và cả lựa chọn của mỗi người, như các bạn ở viện tế bào gốc, lương rất cao ở mức ‘trên trời’, người đi dạy thì bình ổn hơn - đó là lựa chọn”.
“Bản chất của việc đào tạo là cung cấp các kiến thức nền tảng- các kiến thức ấy người học dùng để thích ứng với hoàn cảnh công việc, xã hội. Sự thích ứng tốt sẽ giúp các bạn đi xa, trong nhiều mảng công việc khác nhau”, thầy Trần Vũ kết luận.