Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, UBND TP.HCM giao Công an TP phải có biện pháp giải quyết tình trạng ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định, nhất là tại khu vực trung tâm. Công an TP phải nghiên cứu đề xuất quy định về bổ sung một số hình thức xử lý hành vi dừng, đỗ xe trái phép như cẩu xe, khóa bánh xe, tháo biển số…
Tài xế tránh mặt, né phạt
Ở khu vực trung tâm TP.HCM trước đây có nhiều tuyến đường được phép đỗ ô tô dưới lòng đường (có thu phí) nhưng qua nhiều lần rà soát, số lượng các tuyến đường giảm đi, còn 25 tuyến.
Ngoài ra, theo Sở GTVT, ở khu vực này có hàng loạt tuyến đường cấm dừng, đỗ xe theo nhiều hình thức. Cụ thể, hiện ở khu vực trung tâm TP.HCM có 77 tuyến đường cấm đỗ xe, 20 tuyến cấm đỗ xe theo giờ; cấm dừng, đỗ xe ở 23 tuyến; cấm dừng, đỗ xe theo giờ năm tuyến và cấm đỗ xe theo ngày chẵn lẻ trên 20 tuyến đường. Tại các khu vực này đều có biển báo cấm song tình trạng ô tô vẫn ngang nhiên dừng, đỗ trái phép gây cản trở giao thông.
“Thời gian qua, tình trạng dừng, đỗ ô tô sai quy định diễn ra khá phổ biến ở khu trung tâm TP. Mức độ vi phạm tăng hơn khi biện pháp xử phạt đối với lỗi này chỉ là phạt tiền với mức 700.000 đồng, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ. Nghị định 46 không cho áp dụng hình thức phạt bổ sung là tước bằng lái như trước đó nên vi phạm về dừng, đỗ sai quy định càng phổ biến hơn. Tuy vậy, khi lực lượng chức năng có mặt, nhiều tài xế vi phạm đã không chịu ra mặt nhằm tránh bị lập biên bản vi phạm” - một cán bộ Thanh tra Sở GTVT cho biết.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, cho biết thêm để xử lý việc đối phó trên, CSGT đã lập các tổ CSGT có trang bị camera tuần tra trên đường, nhất là khu vực trung tâm ghi lại hình ảnh vi phạm để có căn cứ phạt nguội.
CSGT lập biên bản xử phạt một trường hợp ô tô đỗ sai quy định. Ảnh: HTD
Từng nghiên cứu, đề xuất áp dụng
Thực tế những biện pháp mà CSGT, TTGT áp dụng xử phạt ô tô đậu, đỗ tại nơi cấm vẫn không có dấu hiệu giảm và từ đó làm ùn ứ giao thông càng thêm nặng. Đây là một trong các nguyên nhân chính UBND TP giao Công an TP nghiên cứu áp dụng thêm nhiều biện pháp, trong đó có việc khóa bánh xe vi phạm.
“Nếu biện pháp trên được áp dụng thì đây sẽ là biện pháp mới mẻ để xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thực tế, Sở GTVT từng nghiên cứu đề xuất giải pháp này và kiến nghị UBND TP đề xuất sửa đổi quy định xử phạt vi phạm giao thông làm căn cứ áp dụng. Tuy nhiên, đề xuất này vẫn chưa được các cơ quan trung ương xem xét” - ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông, Sở GTVT, thông tin.
Vị cán bộ này cho biết thêm, qua nghiên cứu thì nhiều nước trên thế giới đã áp dụng biện pháp khóa bánh xe vi phạm. Theo đó, chiếc xe vi phạm sẽ bị khóa bánh bằng một chiếc khóa đặc biệt khiến chúng không thể di chuyển được. Trên khóa có ghi số điện thoại, địa chỉ của đơn vị chức năng để chủ xe liên hệ. Chiếc xe chỉ được mở khóa sau khi người vi phạm có mặt, ký vào biên bản vi phạm.
Coi chừng tạo thêm ùn ứ
Trong khi đó, vị cán bộ TTGT nêu trên cho rằng khóa bánh xe vi phạm là biện pháp nghiệp vụ, việc áp dụng khá đơn giản, khả thi. “Nghị định 46 chưa nêu cụ thể việc khóa bánh xe vi phạm. Tuy nhiên, đây được xem là một biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo người vi phạm nhanh chóng có mặt để xử lý, ngăn chặn hành vi vi phạm tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, biện pháp này không can thiệp vào tài sản người vi phạm như hình thức cẩu xe vi phạm (phải làm thủ tục niêm phong xe, phòng tránh các khiếu nại của người dân như “tôi bỏ tiền trong xe”) nên không lo ngại như biện pháp cẩu xe, tháo biển số” - vị này nói.
Thế nhưng cùm ô tô đậu tràn lan cũng nảy sinh bất cập nếu áp dụng không chuẩn. Cán bộ TTGT trên nói: “Khóa bánh xe là để đảm bảo xử lý người vi phạm nhằm giảm thiểu ùn tắc. Nhưng được áp dụng thì do CSGT hay TTGT đều được giao phụ trách địa bàn rộng, phải xử lý nhiều lỗi vi phạm khác, sẽ khó thể có mặt kịp thời tháo khóa bánh xe khi người vi phạm liên hệ. Khả năng xảy ra điều này rất cao và từ đó ùn ứ giao thông dễ tăng hơn. Như thế là không ổn”.
Cũng theo cán bộ TTGT trên, việc giao cho công an phường thực hiện nhiệm vụ là phù hợp nhất. Tuy nhiên, để chặt chẽ hơn về quy trình thì các cấp trung ương nên có hướng dẫn cụ thể biện pháp nghiệp vụ và sửa đổi Nghị định 46 theo hướng áp dụng biện pháp bổ sung là tước bằng lái có thời hạn đối với các trường hợp đậu, đỗ ô tô sai quy định.
Hư hỏng, mất mát ai đền? Một số nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Hungary... đã áp dụng hình thức “cùm chân” xe vi phạm. Theo đó, ở các nơi cấm dừng, cấm đậu họ còn gắn thêm biển cảnh báo về việc khóa bánh hoặc cẩu, kéo xe dừng, đỗ sai quy định. Khi thấy xe bị “cùm”, người vi phạm chỉ còn cách đến đồn cảnh sát theo địa chỉ, số điện thoại có trên khóa để đóng phạt. Ông Nguyễn Hoàng Thanh (quận 12) nhìn nhận nhiều lúc làm liều, đậu ô tô ở nơi cấm một chút để đi lấy đồ, giao hàng. “Nếu xe bị cùm, tôi có mặt nhưng lực lượng chức năng đi nơi khác và không có mặt kịp thời tháo khóa sẽ làm trễ nãi việc của người dân. Mặt khác, việc “giam” xe giữa đường có thể gây thiệt hại hư hỏng, mất cắp thì ai chịu trách nhiệm” - ông Thanh đặt vấn đề. Đội trưởng một đội CSGT thuộc PC67 cho rằng ngay cả những trường hợp đỗ xe dưới lòng đường có thu phí, cơ quan thu phí cũng không chịu trách nhiệm về những thiệt hại nêu trên. Mặt khác, việc người vi phạm đậu ô tô ở nơi cấm thì khả năng hư hỏng, mất cắp vẫn có thể xảy ra. |