Đề nghị “cùm chân” ô tô đỗ lộn xộn

UBND TP.HCM vừa giao Sở Tư pháp rà soát các quy định pháp luật, đề xuất hình thức xử phạt như khóa bánh xe, cẩu xe… đối với ô tô dừng, đỗ sai quy định. Trong đó, khóa bánh ô tô (nếu pháp luật cho phép) là biện pháp khá mới mẻ để xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Chủ xe tránh mặt để “né” biên bản

Thời gian qua, tình trạng dừng, đỗ ô tô sai quy định diễn ra khá phổ biến ở khu trung tâm TP. Trong khu vực này có nhiều tuyến đường từng được phép đỗ ô tô dưới lòng đường (có thu phí) nhưng sau đó TP đã bãi bỏ. Dù Sở GTVT đã gắn các biển cấm nhưng không ít ô tô, nhất là taxi, vẫn ngang nhiên dừng, đỗ trái phép gây cản trở giao thông.

Khi lực lượng chức năng có mặt, nhiều chủ xe vi phạm chọn giải pháp không xuất đầu lộ diện để khỏi bị lập biên bản vi phạm. Trong khi đó, biện pháp tháo biển số các xe vi phạm (biển số chỉ được trả lại khi chủ xe chấp hành lệnh xử phạt) gặp phản ứng của dư luận, lại không hợp pháp nên không được áp dụng. Vì thế, thời gian qua cơ quan chức năng khá lúng túng trong xử lý vi phạm.

Đề nghị “cùm chân” ô tô đỗ lộn xộn ảnh 1

Một ô tô đậu qua đêm ở sân bay Nội Bài bị “cùm chân” bằng khóa tự chế. Ảnh: Internet

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đã áp dụng biện pháp “cùm chân” ô tô vi phạm trong khuôn viên sân bay. Thành viên civic1.8 7426 của một diễn đàn ô tô cho hay an ninh sân bay Nội Bài sẵn sàng khóa bánh các ô tô đậu sai quy định bằng những chiếc khóa hình chữ nhật. Tại những nơi cấm đón khách, tài xế chỉ dừng trong 1-2 phút là có thể bị khóa bánh bằng các khóa tự chế nêu trên. Theo lý giải của đại diện sân bay, biện pháp này hợp pháp vì áp dụng theo quy định trong lĩnh vực hàng không chứ không phải quy định trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Khóa bánh xe, gắn camera

Từ thực tế trên, nhiều ý kiến đề xuất TP cần áp dụng biện pháp “cùm chân” ô tô vi phạm để xử lý những chủ xe cố tình tránh mặt. Còn nếu xe vi phạm ở vị trí có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao, lực lượng chức năng sẽ cho xe cẩu đến kéo đi.

“Xe vi phạm sẽ bị khóa bánh bằng một chiếc khóa đặc biệt khiến chúng không thể di chuyển được. Trên khóa có ghi số điện thoại, địa chỉ của đơn vị chức năng để chủ xe liên hệ. Chiếc xe chỉ được mở khóa sau khi chủ xe nhận biên bản vi phạm” - một cán bộ Sở GTVT TP cho biết.

Có ý kiến cho rằng việc “giam” xe giữa đường có thể gây thiệt hại cho chủ xe (như xe bị hư hỏng, mất cắp). Nhưng theo cán bộ trên, ngay cả những trường hợp đỗ xe dưới lòng đường có thu phí, cơ quan thu phí cũng không chịu trách nhiệm về những thiệt hại nêu trên.

Tại cuộc họp đầu tháng 1, UBND TP cho rằng biện pháp “cùm chân” ô tô vi phạm tạo sự linh động trong xử lý vi phạm, giảm áp lực cho các bãi giữ xe vi phạm đang quá tải. Người vi phạm cũng không phải chịu chi phí cẩu, kéo, lưu kho xe. “Nếu chưa có quy định pháp luật, UBND TP sẽ kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng thí điểm biện pháp này” - ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP, nhấn mạnh.

Ông Tín cũng yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét biện pháp lắp đặt camera trên các tuyến đường cấm ở quận 1 để ghi nhận thời gian dừng của các loại phương tiện, làm cơ sở cho việc xử phạt. Hiện trên nhiều tuyến đường ô tô chỉ được dừng không quá 5 phút nhưng không ít xe dừng lố song cơ quan chức năng khó xử phạt vì không trưng ra được bằng chứng về thời gian xe đậu.

Nhiều nước trên thế giới (như Mỹ, Đức, Nhật, Anh, Hungary...) đều cắm các bảng cảnh báo sẽ “cùm chân” (hoặc cẩu, kéo xe) dừng, đỗ sai quy định. Khi thấy xe bị “cùm”, người vi phạm chỉ còn cách đến đồn cảnh sát theo địa chỉ, số điện thoại có trên khóa để đóng phạt.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm