Không đồng nhất quyền con người với quyền công dân

Ông Hoàng Thế Liên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, so sánh: Nếu Hiến pháp 1992 quy định “các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân” (Điều 50) thì Hiến pháp 2013 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) quy định rõ hơn nội dung quyền con người, quyền công dân. Việc này thể hiện tư duy mới về quyền con người, đồng thời minh định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người. Theo đó, quyền con người là quyền tự nhiên, bất cứ ai cũng có quyền đó; quyền công dân là quyền của những người có quốc tịch Việt Nam.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, với quyền con người thì các điều luật tương ứng của Hiến pháp 2013 được bắt đầu bằng cụm từ “mọi người”. Ví dụ “mọi người có quyền sống”, “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể”… Trong khi đó, với quyền công dân thì các điều luật được bắt đầu bằng cụm từ “công dân”: “Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp”, “công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước”… Ngoài ra, Hiến pháp 2013 còn làm rõ hơn nguyên tắc quyền công dân không thể tách rời nghĩa vụ công dân. Đó là những nghĩa vụ được kế thừa trong Hiến pháp 1992 như nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, nghĩa vụ quân sự…. Riêng nghĩa vụ nộp thuế thì không chỉ công dân mà mọi người đều phải thực hiện theo luật định.

T.TÂM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm