Dự thảo lần này nhấn mạnh vai trò của người dân trong trong giám sát, đánh giá các thủ tục hành chính công; nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình; đảm bảo sự tham gia của người dân vào giám sát, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính…
Tại hội thảo, GS Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT) cho rằng cải cách hành chính (CCHC) là phải đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm. Tuy nhiên, đáp lại sự nỗ lực lớn của Chính phủ thì kết quả từ các khảo sát cho thấy ở cấp xã, huyện, tỉnh chưa thực sự nỗ lực, kết quả không khả quan.
Việc CCHC của Việt Nam so với các nước trong khu vực còn khoảng cách khá xa. Các chỉ số điều tra đều cho thấy Việt Nam thụt lùi lại so với các nước một cách rất đáng suy ngẫm.
“Ví dụ làm thủ tục chuyển nhượng đất đai ở Đà Nẵng được cho là tiến bộ nhất thì mất khoảng một tuần, còn ở Hà Nội phải một tháng nhưng ở Thái Lan chỉ có một ngày thôi” - GS Võ dẫn chứng.
Chính phủ thì nỗ lực ngày càng cao nhưng thực tế thì có nhiều chỉ số qua khảo sát lại thấp hơn so với trước khi nỗ lực. Ảnh: LÊ PHI
GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng theo khảo sát thì doanh nghiệp cho rằng phải chi 10% doanh số để đảm bảo sự yên ổn cho doanh nghiệp hoạt động.
“Chính phủ thì nỗ lực ngày càng cao nhưng thực tế thì có nhiều chỉ số qua khảo sát lại chưa được cải thiện nhiều” - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nói.
Cũng theo GS Võ, người dân thì chỉ quan tâm tới một cửa và cửa đó gần người ta nhất chứ không phải là hành chính tập trung hay không tập trung. Giải pháp tốt nhất hiện nay là một cửa liên thông và điện tử hóa.
Đây là cách đi duy nhất, thỏa mãn mọi nguyện vọng của người dân dù chỉ dùng điện thoại cũng có thể giải quyết được các thủ tục của mình. Việc điện tử hoá nó không tốn kém như người ta vẫn nghĩ.
“Không phải gặp nhau thì không có cơ hội tham nhũng, vì vậy cần phải dùng các giải pháp điện tử” - GS Đặng Hùng Võ nói.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng Chính phủ thì đang nỗ lực CCHC nhưng cấp dưới thì chưa thấy tiến triển nhiều. Ảnh: LÊ PHI
Bà Võ Thị Tuyền (Trưởng phòng CCHC, Sở Nội vụ Đà Nẵng) thì cho rằng, không cần thiết lập trung tâm hành chính công cấp huyện. Hiện tại TP Đà Nẵng cũng không cần thêm bộ máy này.
“Thực tế bộ phận một cửa cấp quận/huyện hiện nay cũng chỉ tập trung công chức phòng chuyên môn cấp quận/huyện đó. Họ tới ngồi nhận hồ sơ chuyển về phòng chuyên môn xử lý. Tức là họ chỉ nhận và trả kết quả. Bây giờ thành lập ra một trung tâm thì phải có bộ máy, lại phình thêm biên chế” - bà Tuyền nói.
Bà Tuyền cũng cho rằng có địa phương như Quảng Ninh dự kiến sẽ đưa cả lực lượng CSGT vào ngồi tại trung tâm dịch vụ công. Dự thảo nghị định còn đề cập việc đưa các cơ quan trung ương ở địa bàn như bảo hiểm, hải quan, thuế, công an PCCC... vào bộ phận một cửa là không phù hợp.
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng vụ việc người dân bị hành khi đi làm giấy chứng tử ở Văn Miếu (Hà Nội) là bài học thiết thực cho công tác CCHC, chấn chỉnh đạo đức cán bộ.
Vụ việc xảy ra ở Văn Miếu có thể đánh giá về trình độ chuyên môn và đạo đức cán bộ. Ở đây là sự thiếu trách nhiệm đối với dân trong giải quyết thủ tục. Xác định cán bộ là phải lo cho dân, không lo được thì đừng làm cán bộ nữa.
Bà Babeth Ngọc Hân Lefur (Giám đốc của Oxfam tại Việt Nam) góp ý: “Nghị định cần quy định giám sát dịch vụ hành chính công thông qua ý kiến đánh giá độc lập, khách quan của các tổ chức, quy định lộ trình xây dựng và vận hành hệ thống một cửa điện tử phù hợp với lộ trình chung vận hành chính phủ điện tử. Bên cạnh đó cần xây dựng hệ thống giám sát và các chỉ số đánh giá, trong đó có sự tham gia của người dân. Đặc biệt là sự tham gia của nhóm yếu thế, phụ nữ, người dân tộc thiểu số...". |