"Lâu nay, chúng ta vẫn coi và dựa vào ba loại hình đường sắt đô thị, xe buýt và taxi là vận tải hành khách công cộng ở các đô thị lớn. Nhưng nay tình hình đã thay đổi, công nghệ kỹ thuật số đã làm xuất hiện việc kết nối, chia sẻ và dùng chung giữa nhà xe với hành khách. Vì vậy tới đây phải coi các loại xe Uber, Grab, xe đạp, xe máy dùng chung... như là các loại hình vận tải hành khách công cộng".
Sáng nay (8-1), tại buổi tọa đàm "Phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân" do báo Tuổi Trẻ tổ chức, ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP. HCM, đưa ra quan điểm như trên.
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP. HCM (phía phải): "Phải coi xe Uber, Grab là loại hình vận tải hành khách công cộng và quản lý, cho nó phát triển có định hướng!"
Cũng theo ông Cường, hiện vận tải hành khách công cộng của TP vẫn dựa vào xe buýt là chính. Nhưng từ sau năm 2025 đường sắt đô thị với các loại hình như metro, monorail, tramway và các loại hình vận tải có sức chở lớn khác sẽ là xương sống của vận tải hành khách công cộng.
"Khi đó, xe buýt, taxi, xe Uber, Grab... sẽ đóng vai trò phục vụ, gom khách cho metro, các loại xe sức chở lớn!" - Ông Cường nói.
Từ buổi tọa đàm, ý kiến nhiều người dân cũng cho rằng TP không nên cấm hẳn, cấm ngay xe máy mà cần có lộ trình hạn chế loại xe này (về cả mặt thời gian và khu vực). Cạnh đó, chỉ khi metro, các loại hình vận tải sức chở lớn hình thành, vận hành trơn tru thì mới từ từ hạn chế xe máy.
Ý kiến người dân: "Không nên cấm hẳn, cấm ngay xe máy mà cần có lộ trình!"
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia: "Không nên coi xe máy là "thủ phạm" gây nên ùn ứ, tắc nghẽn giao thông ở các đô thị lớn mà nguyên nhân chính là do ý thức của người đi đường, lái xe máy, ô tô...!"...