Không thi hành án được vì đương sự… dọa tự tử

Mới đây, Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản trả lời khiếu nại của ông Lâm Thanh Việt (xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi) về việc chậm thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật cách đây chín năm. Theo đó, Cục THADS tỉnh này trả lời việc chậm THA là do vụ việc này phức tạp, người phải THA nhiều lần đòi tự tử, kiên quyết không chịu giao đất, cả gia đình chống đối THA.

Theo ông Lâm Thanh Việt, năm 2006 TAND tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế do cha ông và các anh em khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông LM chia khối di sản đang quản lý cho các đồng thừa kế. Bản án số 01/2006 ngày 11-1-2006 của TAND tỉnh Quảng Ngãi tuyên vợ chồng ông M. có nghĩa vụ chia một phần mảnh vườn tại xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa cho các đồng thừa kế, trong đó cha ông Việt được sử dụng gần 200 m2 đất.

Sau khi án có hiệu lực, cha ông Việt đã có đơn yêu cầu THA và tháng 4-2006, Cục THADS tỉnh Quảng Ngãi đã ra quyết định THA. “Tưởng như vậy cha tôi sẽ nhận được phần di sản thuộc về mình. Thế nhưng từ đó đến nay, bản án nói trên vẫn chưa được thi hành với nhiều lý do thoái thác từ phía Cục THADS tỉnh. Hiện nay cha tôi đã mất mà bản án vẫn chưa được thi hành trong khi điều kiện THA đảm bảo. Giờ Cục THADS lại đưa ra lý do đương sự chống đối, đòi tự tử để biện minh cho sự tắc trách của mình. Nói như vậy không lẽ cứ dọa tự tử là có thể chiếm được tài sản của người khác” - ông Việt bức xúc.

Luật sư Cao Quang Thuần, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án có giá trị bắt buộc các cá nhân, tổ chức, kể cả các cơ quan nhà nước phải chấp hành. Cơ quan THA có trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa. Thực tiễn có nhiều bản án dù đã có hiệu lực rất lâu nhưng do không có điều kiện THA như người bị THA không có tài sản, tài sản dùng để THA bị tranh chấp nhưng chưa giải quyết được… Tuy nhiên, nếu điều kiện THA đảm bảo nhưng không thể thi hành được với lý do người bị THA chống đối thì đó không phải là lý do phù hợp với quy định của pháp luật. “Những người có hành vi cố tình không chấp hành án, không THA, gây cản trở việc THA thì có thể bị xử lý về các tội theo quy định tại các điều 304, 305, 306 BLHS” - luật sư Thuần nhận xét.

Dọa tự tử không phải là lý do chính đáng để hoãn THA

Theo quy định của pháp luật về THADS hiện hành, lý do người phải THA dọa tự tử không phải là lý do để thủ trưởng cơ quan THA ra quyết định hoãn THA. Luật quy định rất rõ nếu người phải THA có điều kiện thi hành mà không tự nguyện THA thì bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế như kê biên phát mại tài sản, trục xuất người và tài sản để giao cho người được THA…

Thực tế có trường hợp người phải THA cố tình chây ỳ, chống đối quyết liệt như cố thủ, đe dọa tự tử, đe dọa đến tính mạng của cán bộ THA. Khi gặp phải những trường hợp này, chấp hành viên phải sử dụng các biện pháp vận động, thuyết phục, phối hợp với các cơ quan chính quyền địa phương động viên, thuyết phục đương sự. Nếu họ vẫn không nghe thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được THA.

Với những vụ có tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị của địa phương thì cơ quan THA phải báo cáo với ban chỉ đạo THA cùng cấp và cơ quan THA cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo. Nếu chấp hành viên không làm hết trách nhiệm của mình, để vụ việc kéo dài không có lý do chính đáng mà gây thiệt hại cho đương sự thì phải bồi thường, thậm chí còn có thể bị kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ vi phạm.

Ông HỒ QUÂN CHÍNH, Phó phòng Nghiệp vụ 1,
Cục THADS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới