Thi hành án yêu cầu ngưng, ủy ban vẫn cho bán

“Vừa qua tôi được tòa hòa giải thành một vụ kiện, phía bị đơn đồng ý trả nợ 1,5 tỉ đồng. Sau khi có quyết định, người mắc nợ tôi bán nhà dù cho thi hành án (THA) đã ngăn chặn. Điều trớ trêu là không hiểu sao phía UBND thị xã La Gi (Bình Thuận) vẫn cấp giấy tờ nhà cho người mua. Điều này làm tôi bị thiệt thòi…” - bà Phan Dạ Thảo cho biết.

Hai cơ quan chỏi nhau

Theo bà Thảo, sau khi có quyết định hòa giải thành,  người nợ tiền không chịu thực hiện việc trả nợ nên bà yêu cầu Chi cục THA dân sự thị xã La Gi vào cuộc. Khi cơ quan THA đang xử lý, ngày 12-6-2014, người nợ tiền đã bán nhà. Biết tin, bà vội vàng làm đơn gửi ngay đến UBND thị xã và chi cục THA yêu cầu ngăn chặn. Sáu ngày sau, chi cục THA gửi công văn cho UBND thị xã xác định hành vi trên của người phải THA có dấu hiệu tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ THA. Cơ quan THA đề nghị ủy ban yêu cầu các cơ quan chuyên môn kịp thời kiểm tra, ngăn chặn và có thể tạm dừng việc chuyển dịch tài sản nói trên.

Nhận được văn bản này,  UBND thị xã cũng đã có công văn gửi Phòng TN&MT, Văn phòng Đăng ký QSDĐ đề nghị xem xét, giải quyết.

Tiếp đó, ngày 21-7-2014, chi cục THA có công văn gửi chủ tịch UBND thị xã nêu ra những điểm bất thường chẳng hạn như hợp đồng bán căn nhà chỉ với giá 400 triệu đồng, thấp hơn nhiều với giá cả thực tế thị trường (sau này THA định giá là khoảng 1,2 tỉ đồng); người bán cũng đã nhận cọc của một người khác và đang bị kiện… Cộng thêm một số lý do khác, chi cục THA kiến nghị UBND chỉ đạo bộ phận chức năng dừng hồ sơ chuyển nhượng căn nhà khi nó đang nằm ở bộ phận một cửa của ủy ban.

Dù phía THA đã có ý kiến như trên nhưng chỉ vài ngày sau, UBND thị xã đã cấp giấy tờ nhà cho người mua.

Cơ quan THA thị xã La Gi vẫn quyết định kê biên, bán đấu giá nhà để đảm bảo THA cho bà Thảo. Ảnh: CT

Đã bán cũng kê biên được

Trước việc này, bà Thảo làm đơn đề nghị ủy ban thu hồi giấy tờ nhà cấp mới này. Ngày 19-12-2014, UBND thị xã trả lời tại thời điểm bán thì nhà này không bị kê biên, ủy ban giải quyết cho chuyển nhượng là đúng.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu vụ việc, chi cục THA vẫn cho rằng ủy ban cấp giấy tờ nhà cho người mua là không đúng. Ngày 21-12-2014, chi cục THA gửi văn bản đề nghị ủy ban thu hồi lại giấy tờ này. THA lập luận việc mua bán diễn ra sau khi có quyết định hòa giải thành của tòa đồng thời thỏa thuận mua bán cũng không ngay tình, có dấu hiệu  tẩu tán tài sản. Theo Thông tư liên tịch 14/2010 (của Bộ Tư pháp, VKSND Tối cao, TAND Tối cao để xử lý tài sản THA), THA có quyền kê biên nhà để đảm bảo THA.

Cũng theo chi cục THA, mặc dù đơn vị nhiều lần có ý kiến với ủy ban nhưng không được chấp nhận. Tuy nhiên, quan điểm của THA là ủy ban sai. Hiện nay căn nhà vẫn đang bị kê biên và cơ quan THA đã làm thủ tục định giá theo quy định, chuẩn bị bán đấu giá để THA.

Ủy ban tạo tiền lệ không tốt

Trước hết phải khẳng định dù còn điểm bất cập (như chưa bảo vệ người thứ ba ngay tình...) nhưng Thông tư liên tịch 14 vẫn đang có hiệu lực nên cơ quan THA vận dụng để thực thi pháp luật là đúng.

Theo thông tư: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải THA bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để THA thì tài sản đó vẫn bị kê biên để THA...”.

Như vậy ủy ban lập luận cho rằng tại thời điểm công chứng hợp đồng, tài sản không bị ngăn chặn nên cho chuyển nhượng là chưa xem xét đầy đủ các yếu tố liên quan.

Thứ hai, THA đã chỉ ra nhiều bằng chứng cho thấy việc mua bán có dấu hiệu tẩu tán tài sản, người mua và ủy ban cũng biết trước nên không thể coi là trường hợp mua bán ngay tình cần được bảo vệ.

Thứ ba, ủy ban cấp giấy tờ cho người mua cũng không cản trở được việc xử lý tài sản của cơ quan THA vì luật cũng quy định rõ là THA hướng dẫn người mua có thể kiện đòi người bán trả lại tiền vì giao dịch vô hiệu.

Từ đó cho thấy việc ủy ban phớt lờ ý kiến của THA là không đúng và tạo ra tiền lệ xấu trong giao dịch dân sự.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN, giảng viên khoa Luật dân sự
ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm