Hôm 18-4, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết các lực lượng quân sự nước này và Mỹ đã khởi động cuộc tập trận chung mùa xuân thường niên kéo dài chín ngày. Sự kiện này diễn ra không có các hoạt động trên thực địa, do đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp cũng như “nhiều yếu tố khác”. Thay vào đó, nội dung cuộc tập trận sẽ được giả lập trên máy tính, mô phỏng các phương thức phản ứng đối với nhiều tình huống có thể xảy ra trên bán đảo Triều Tiên, theo hãng tin Reuters.
Triều Tiên lâu nay vẫn lên án và cáo buộc rằng các cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn là hoạt động diễn tập cho chiến tranh. Những năm gần đây Washington và Seoul đã thu hẹp quy mô tập trận, trong bối cảnh diễn ra các nỗ lực ngoại giao với Bình Nhưỡng và vì đại dịch.
Hàn Quốc, Mỹ cảnh giác Triều Tiên
Trong một diễn biến có liên quan vào ngày 18-4, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Sung Kim đến Seoul trong năm ngày nhằm thảo luận với các quan chức Hàn Quốc về nhiều vấn đề, trong đó chính yếu bàn về tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên gần đây. Theo ông Sung Kim, Washington và Seoul chia sẻ mối quan ngại chung sau một loạt vụ phóng thử tên lửa của Bình Nhưỡng và sẽ “hành động có trách nhiệm và quyết đoán” để đáp trả.
Dù thế ông Sung Kim cũng khẳng định rằng Mỹ sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên “bất cứ lúc nào” và không có điều kiện tiên quyết. Song Bình Nhưỡng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu bắt tay đàm phán với Mỹ, chẳng những thế vẫn tiếp tục cáo buộc chính quyền Washington cố tình duy trì các chính sách thù địch với mình, như áp trừng phạt và duy trì tập trận quân sự với Seoul.
Ngay trước khi cuộc tập trận và cuộc gặp Hàn - Mỹ nói trên chính thức khởi động, Triều Tiên hôm 17-4 đã có động thái cảnh báo khi bắn hai vật thể giống tên lửa ra vùng biển phía đông nước này. Hai tên lửa bay được quãng đường khoảng 110 km, đạt độ cao 25 km với vận tốc tối đa khoảng Mach 4 (gấp bốn lần vận tốc âm thanh - gần 5.000 km/giờ) trước khi rơi xuống biển.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên khẳng định đây là tên lửa dẫn đường chiến thuật mới nhằm tăng cường hiệu quả của lực lượng hạt nhân chiến thuật nước này. Chuyên gia Ankit Panda thuộc Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế (Mỹ) cũng cho rằng vũ khí Bình Nhưỡng thử nghiệm lần này có khả năng là một tên lửa đạn đạo tầm ngắn và là hệ thống phân phối vũ khí hạt nhân chiến thuật đầu tiên của Triều Tiên.
Truyền thông Hàn Quốc đưa tin về vụ phóng thử tên lửa ngày 17-4 của Triều Tiên. Ảnh: CNBC |
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay Triều Tiên đã 12 lần phóng tên lửa với sự xuất hiện của cả ba loại vũ khí có sức công phá cao là tên lửa đạn đạo, tên lửa bội siêu thanh và tên lửa hành trình. Điều này đồng nghĩa nếu xảy ra tình huống khẩn cấp ở bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng nhiều khả năng sẽ không sử dụng một loại tên lửa riêng lẻ nào, mà sẽ phối hợp các loại tên lửa này để tăng sức sát thương.
Căng thẳng tăng nhiệt
Giới chuyên gia lo ngại các vụ thử mới này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bình Nhưỡng dự định đưa vào biên chế tên lửa tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân và đặt các loại vũ khí này vào trạng thái sẵn sàng. Đây không chỉ là một sự đe dọa nghiêm trọng với Seoul mà còn gây nguy hiểm với các mục tiêu lân cận khác như Nhật hay đảo Guam của Mỹ.
Trả lời kênh France24, GS Park Won-gon chuyên nghiên cứu về Triều Tiên thuộc ĐH Ewha Womans (Hàn Quốc) nhận định việc Triều Tiên lên kế hoạch trang bị rộng rãi tên lửa tầm ngắn và tầm trung mang đầu đạn hạt nhân cho lực lượng quân sự nước này sẽ làm gia tăng đáng kể nguy cơ xung đột trong khu vực, dễ bùng phát thành chiến tranh hạt nhân.
Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young gần đây cũng lưu ý rằng Triều Tiên thời qua vẫn liên tục đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân. Việc này thể hiện một điều rằng Triều Tiên khả năng cao sẽ không ngừng phóng tên lửa, thậm chí thử hạt nhân trong thời gian tới.
Đáng chú ý, chuyên trang về tình hình Triều Tiên 38 North còn chỉ ra rằng vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên diễn ra chỉ một ngày sau khi nước này tổ chức kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Chủ tịch Kim Il-sung, một trong những dịp lễ lớn nhất của đất nước nhưng lại không tiến hành duyệt binh như hằng năm. Điều này khiến dư luận chú ý bởi trước đây, vào đợt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông Kim Il-sung vào năm 2012 và kỷ niệm 105 năm vào năm 2017, Triều Tiên đã tổ chức duyệt binh và công bố nhiều loại vũ khí mới.
Trong khi đó, hãng thông tấn KBS từ tháng 3 cho biết quân đội Hàn Quốc phát hiện Triều Tiên có dấu hiệu chuẩn bị cho hoạt động duyệt binh. Do đó, một số quan chức Seoul dự báo có thể Bình Nhưỡng sẽ dời đợt duyệt binh lý ra được tổ chức vào dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Kim Il-sung sang ngày 25-4 tới, nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội Triều Tiên, cùng với đó là việc công bố các loại vũ khí chiến lược mới như mọi lần.•
Mỹ tiếp tục thúc giục Triều Tiên quay lại đàm phán
Họp báo hôm 19-4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ sẵn sàng lắng nghe tất cả mối quan ngại của Triều Tiên nhưng điều này chỉ có thể diễn ra thông qua đối thoại, theo Reuters. Tuy nhiên, đáng tiếc là “Triều Tiên đến nay chưa có bất kỳ dấu hiệu cụ thể nào cho thấy họ sẵn sàng đối thoại” - theo ông Price.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby cho rằng các vụ thử của Bình Nhưỡng là nhằm củng cố tiềm lực quân sự, cho biết Mỹ đang theo dõi chặt tình hình bán đảo Triều Tiên, không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng tiếp tục có thêm những hành động khiêu khích tương tự. Tuy nhiên, ông cũng kêu gọi Triều Tiên đối thoại, vì “cách tốt nhất để theo đuổi nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là thông qua ngoại giao”, khẳng định Mỹ sẵn sàng ngồi lại với Triều Tiên mà không kèm điều kiện tiên quyết.