Trong khuôn khổ Hội nghị giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoại 2011-2016 tại khu vực phía Nam” của Ủy ban Khoa học- Công nghệ và môi trường Quốc hội tổ chức ngày 06- 3-2017, nhiều ý kiến tâm huyết được đề xuất từ các doanh nghiệp lớn, đang tham gia trực tiếp vào thị trường thực phẩm. Trong đó đáng chú ý là các ý kiến cần minh bạch nguồn gốc xuất xứ để giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Quang cảnh buổi hội thảo.
Doanh nghiệp hào hứng nêu ý kiến
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia hội thảo đều nêu ý kiến một cách hào hứng bởi thực phẩm là yếu tố gần gũi, hàng ngày, sát sườn của mỗi người dân. Trong khi khâu truyền thông về thực phẩm sạch còn chưa đủ mạnh, thông tin đến với dân còn nhiều mù mờ, chi phí cho thực phẩm nói chung còn là nỗi lo của nhiều gia đình thì các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thực phẩm sạch còn “mệt mỏi” với thị trường thiếu hẳn sự minh bạch.
Bà Đặng Thị Phương Minh, Phó Tổng Giám đốc Vissan nêu trong tham luận, việc đơn giản như hoạt động cấp đông tức thời nhằm đảm bảo độ ngon của thực phẩm, đồng thời giữ thực phẩm ở tình trạng tốt nhất hoặc phương pháp làm mát thực phẩm đã gây hiểu lầm cho người dân quá nhiều. Trong khi đó, người dân lại chuộng mua các thực phẩm tươi sống bày bán ở chợ, trong điều kiện nhiệt độ bình thường ngoài trời không thể đảm bảo chất lượng thịt trong thời gian kéo dài đến nhiều tiếng. Điều này là rất phổ biến trong thị trường miền Nam
Nhà sản xuất sữa tươi hàng đầu TH true MILK thì tham gia Hội nghị với tâm thế một “người nội trợ tử tế cho cộng đồng”, thực hiện nghiêm túc việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm (ghi rõ trang trại cung cấp nguồn sữa tươi nguyên liệu). Đây cũng là đơn vị theo đuổi kiến nghị về việc minh bạch hóa ghi nhãn sản phẩm. Ông Ngô Minh Hải, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn TH cho rằng, với ngành sữa, đó chính là Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT) chưa rõ ràng. Cụ thể, có nhiều khảo sát cho thấy phần lớn người tiêu dùng bị nhầm lẫn khái niệm ghi trên bao bì hộp sữa “sữa tiệt trùng” (được quy định trong QCVN 5-1:2010/BYT) thành sữa tươi tiệt trùng, trong khi bản chất sữa tiệt trùng là loại sữa dạng lỏng pha lại từ sữa bột hoặc pha sữa bột với một phần nhỏ sữa tươi. Những hệ lụy đã được phân tích khá nhiều trên mặt báo, trong đó hệ lụy được thấy rõ nhất là gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về thông tin sản phẩm, vi phạm quyền được thông tin của người tiêu dùng; không khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa, sản xuất sữa tươi trong nước.
Tuy nhiên, những người bỏ công tìm hiểu và có kiến thức nhất định về sữa chỉ nằm ở một bộ phận người dân có tri thức và thu nhập cao. Vì vậy, sự thiếu minh bạch trong tiêu chuẩn, quy chuẩn dẫn tới đại bộ phận người tiêu dùng không tiếp cận được với thông tin sản phẩm để lựa chọn.
Chính quyền nhanh chóng có phản hồi
Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã yêu cầu 3 bộ: Bộ Y tế, Bộ NNPTNT, Bộ Công thương có mặt tại Hội nghị trả lời ngay các kiến nghị của doanh nghiệp. Đăng đàn trả lời đầu tiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời thẳng thắn về vấn đề TH true MILK đặt ra. Chỉ đạo ngay trong cuộc họp, ông cho biết quan điểm “Chúng ta may mắn có một số doanh nghiệp lớn về ngành sữa nên có nguồn sữa dồi dào, trong đó có sữa tươi, chúng ta có công cụ hữu hiệu để điều chỉnh giá. Mục tiêu là trẻ em được uống sữa giá hợp lý... Nếu đại gia bắt tay nhau chi phối thị trường thì khổ người dân. Vì vậy, minh bạch rõ ra thì ngành sữa được hưởng lợi, người nông dân và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.”
Từ phía địa phương, bà Phạm Khánh Phong Lan, Tân Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vừa nhậm chức cho biết, khi nhận trách nhiệm 3 năm từng bước ngăn chặn thực phẩm bẩn, các thành viên của Ban đều hiểu vấn đề là muốn làm đến nơi đến chốn cần phải có quỹ thời gian cho công việc này, ngay cả công tác thanh tra phải có sự thay đổi bằng cách kiểm tra chéo. Bà nhấn mạnh, TP.HCM chính thức triển khai thí điểm giai đoạn 1 Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn bằng công nghệ thông tin (Te-Food) tại 346 điểm bán lẻ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố, hai chợ đầu mối từ cuối 2016. Tuy vẫn chiếm đến 50% lượng thực phẩm tại TP.HCM còn chưa được cập nhật nguồn gốc, xuất xứ, nhưng nếu chính quyền làm tốt việc quản lý truy xuất nguồn gốc thực phẩm sẽ khuyến khích người dân tham gia tích cực vào việc tìm hiểu nguồn gốc các thực phẩm họ đang sử dụng, và thậm chí lên tiếng khi phát hiện sai phạm.
Có thể nói, sự cởi mở và tinh thần nêu vấn đề trực tiếp, kiến nghị có chiều sâu, trả lời thẳng thắn, đột phá và nhanh chóng của chính quyền đã đưa ra được những kết luận quan trọng trong khuôn khổ hội thảo. Lãnh đạo TP.HCM cũng thể hiện sự sâu sát, quyết liệt khi thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm và giao trách nhiệm cụ thể cho Ban nhằm thay đổi cục diện thị trường thực phẩm của trung tâm đầu mối, quyết tâm ngăn chặn vấn nạn đang ngày càng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.