Kiên Giang kiểm điểm trách nhiệm một số người đứng đầu do còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

(PLO)- Ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang và người đứng đầu một số địa phương của tỉnh này đã kiểm điểm rút kinh nghiệm, do tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài trong những tháng đầu năm 2023.

UBND tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo kết quả thực hiện Công điện số 265 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU ngày 5-5, đã kiểm điểm trách nhiệm của ông Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo tỉnh với hình thức kiểm điểm rút kinh nghiệm, do tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài từ đầu năm 2023 đến nay.

UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu tăng cường công tác thông tin truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU. Ảnh minh họa: CHÂU ANH

Cùng nội dung trên, UBND TP Rạch Giá và UBND hai phường Vĩnh Bảo và Vĩnh Lạc (TP Rạch Giá) cũng đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Hôn, Chủ tịch UBND TP Rạch Giá, ông Trần Nguyên Khang, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Lạc và ông Trần Hoàng Phong, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Bảo cũng bị kiểm điểm rút kinh nghiệm.

Trong bốn tháng đầu năm 2023, tỉnh Kiên Giang chưa nhận được thông báo chính thức từ cơ quan ngoại giao Việt Nam về tàu cá Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ. Tuy nhiên UBND tỉnh Kiên Giang nhận được thông tin có hai trường hợp tàu cá Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ từ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4.

Trong đó, có một trường hợp đã có kết luận là không đủ chứng cứ xác định hành vi đưa 2 tàu cá sang vùng biển Malaysia đánh bắt hải sản. Một trường hợp còn lại đã có kết luận khai thác thủy sản bất hợp pháp trên vùng biển Indonesia. UBND tỉnh Kiên Giang đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành thẩm định và xử lý theo quy định pháp luật.

Thời gian tới, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, các sở, ngành có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Đồng thời, xem đây là nhiệm vụ chính trị, ưu tiên, cấp bách, tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm gỡ cảnh báo “Thẻ vàng”. Cạnh đó, tăng cường công tác thông tin truyền thông, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn cho cộng đồng ngư dân và các tổ chức, cá nhân có liên quan quy định về chống khai thác IUU.

Mặt khác, rà soát, thống kê toàn bộ số lượng tàu cá của địa phương, hoàn thành 100% việc đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) theo quy định. Lập danh sách các tàu cá không tham gia khai thác thủy sản và các tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi các cơ quan chức năng. Từ đó, phân công cụ thể đơn vị, cá nhân theo dõi, quản lý.

Tỉnh điều tra, xử lý tất cả các vụ việc tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và xử phạt các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều tra, củng cố hồ sơ, truy tố, xét xử các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để ngăn chặn, xử lý phục vụ công tác tuyên truyền, răn đe.

Qua 5 năm thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, ngư dân Kiên Giang vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản trái phép dù vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đã giảm đáng kể theo từng năm. Cụ thể:

- Năm 2017, phát hiện 206 vụ với 323 tàu.

- Năm 2018, phát hiện 50 vụ với 88 tàu.

- Năm 2019, phát hiện 72 vụ với 121 tàu.

- Năm 2020, phát hiện 43 vụ với 73 tàu.

- Năm 2021, phát hiện 36 vụ với 46 tàu.

- Năm 2022, phát hiện 18 vụ với 26 tàu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới