Kiến nghị sửa nghị định ngành in

Theo VCCI, các chính sách quản lý đối với hoạt động in như trong nghị định này có những thay đổi rất lớn so với quy định hiện hành. Trong đó điển hình là sự trở lại hình thức quản lý bằng việc cấp phép đối với hoạt động các cơ sở in, nhập khẩu thiết bị in. DN muốn mở rộng hoạt động in phải được cấp phép, muốn nhập khẩu thiết bị in cũng phải có giấy phép…

“Ngành in đang được xác định là ngành công nghiệp thông thường, được hưởng các chính sách quản lý cởi mở, thông thoáng. Do vậy, việc áp đặt hình thức quản lý chặt chẽ này đối với ngành in dường như là quá mức cần thiết, gây khó khăn lớn cho DN trong ngành này” - đại diện VCCI nhấn mạnh.

Ngoài ra, những quy định mới trong Nghị định 60 còn áp đặt thêm một số thủ tục hành chính như thủ tục đăng ký hoạt động cơ sở in, thủ tục xin phép cho từng lần xuất nhập khẩu… Theo thống kê của DN chuyên nhập khẩu thiết bị in, với quy định mới này, DN phải mất ít nhất là hơn 14 ngày để làm các thủ tục.

Một số quy định của Nghị định 60 còn có tính chất can thiệp hành chính vào yếu tố thị trường, như yêu cầu người đứng đầu cơ sở in phải “có trình độ cao đẳng chuyên ngành in trở lên” hoặc “không hợp tác với cơ sở in khác để thực hiện chế bản, in, gia công sau in đối với sản phẩm do mình nhận hợp tác”, “thực hiện đúng số lượng sản phẩm in ghi trong hợp đồng”...

Nhiều DN đánh giá Nghị định 60 đang đi ngược với tinh thần đơn giản hóa thủ tục hành chính, bãi bỏ các giấy phép không hợp lý, không cần thiết để cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang nỗ lực thực hiện.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm