Kinh doanh trên mạng xã hội có thể tạo 'cuộc cách mạng bán lẻ mới'

(PLO)- Bên cạnh nhiều nền tảng kinh doanh online như sàn thương mại điện tử thì kinh doanh thông qua mạng xã hội (MXH) được đánh giá là dễ triển khai nhất với mọi doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo Báo cáo chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2022, các hoạt động kinh doanh trên MXH (mua bán trong cộng đồng) như Facebook, Zalo, Instagram, Tik Tok… tiếp tục bùng nổ. Trong năm 2021 có tới 57% doanh nghiệp (DN) cho biết có sử dụng hình thức kinh doanh này.

Bán hàng trên MXH đạt 492 tỉ USD vào năm 2021

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết hình thức mua bán trong cộng đồng này đã trở thành một xu hướng kinh doanh mới hấp dẫn, mang lại lợi ích rõ ràng cho các doanh nghiệp lẫn đông đảo cá nhân có thời gian, ít vốn và không nắm vững công nghệ nhưng mong muốn tăng thêm thu nhập.

Với mô hình mua bán trong cộng đồng, sức mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) có thể sẽ chuyển từ các nhà sản xuất và phân phối tới đông đảo người bán cá nhân và có thể tạo ra một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực bán lẻ hàng hoá và dịch vụ trực tuyến.

Nghiên cứu của Accenture năm 2021 cho biết gần hai phần ba thành viên các MXH được khảo sát đã tiến hành mua bán trong cộng đồng. Con số tương ứng là gần hai tỷ người trên phạm vi toàn cầu đã trải nghiệm hình thức mua bán trong cộng đồng.

Nghiên cứu này cũng cho rằng đại dịch COVID-19 đã kéo thêm nhiều người hơn trong việc sử dụng mạng xã hội để kết nối, từ thu thập thông tin, giải trí, học tập, cho tới mua bán.

Ước tính trong năm 2021, mô hình mua bán này đạt khoảng 492 tỉ USD. Accenture dự đoán, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm lên tới 26% thì doanh số năm 2025 có thể vượt mức 1.200 tỉ USD.

Bên cạnh đó, nền tảng bán hàng đa kênh Sapo cho biết, qua khảo sát, nhiều thương nhân, đã đánh giá trong năm 2021 mạng xã hội Facebook tiếp tục là kênh hỗ trợ bán hàng trực tuyến hiệu quả nhất.

Mua bán trong cộng đồng ước đạt 1200 tỉ USD vào năm 2025. ẢNH: TRƯỜNG GIANG

Mua bán trong cộng đồng ước đạt 1200 tỉ USD vào năm 2025. ẢNH: TRƯỜNG GIANG

Cơ hội cho các doanh nghiệp sáng tạo ứng dụng bán hàng

Với những lợi thế to lớn của mô hình này, những nền tảng công nghệ hỗ trợ TMĐT hàng đầu Việt Nam đã phát triển các giải pháp hỗ trợ kinh doanh đa kênh (Omni- channel) nói chung và mua bán trong cộng đồng nói riêng.

Chẳng hạn, Haravan đã xây dựng giải pháp HaraSocial và HaraFunnel. Hai giải pháp này hỗ trợ bán hàng trên Facebook toàn diện, giúp tối đa tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng và marketing trên Facebook, đồng thời giúp tư vấn khách hàng và giải đáp các thắc mắc hoàn toàn tự động theo các kịch bản lập sẵn. HaraSocial và HaraFunnel đã được hơn 100.000 fanpage và 300 thương hiệu hàng đầu sử dụng.

Trong khi đó giải pháp quản lý bán hàng đa kênh Sapo Omnichannel đã trở thành công cụ bán hàng hiệu quả của rất nhiều thương nhân.

Đồng thời, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của mô hình mua bán trong cộng đồng và xây dựng các nền tảng trực tuyến chuyên nghiệp để hỗ trợ mô hình này.

Những nền tảng đó hỗ trợ các cá nhân bán hàng với rất nhiều dịch vụ liên quan, từ lựa chọn sản phẩm, nhà cung cấp, tới giao hàng và đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến. Nhiệm vụ chủ yếu của những cá nhân này là tiếp thị và giao kết hợp đồng với người mua trong cộng đồng của mình và hưởng hoa hồng.

Nền tảng bán hàng trực tuyến Selly là một minh chứng cho sự hấp dẫn của mô hình này. Dù mới thành lập đầu năm 2021 nhưng Selly đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong đại dịch COVID-19, khi hỗ trợ nhiều cá nhân bán hàng trực tuyến mà không cần bỏ vốn, lưu kho hay chuyển phát. Các nền tảng khác là Cuccu, DiMuaDi hay BCA Solutions… cũng kết nối nhiều doanh nghiệp với những cộng tác viên như phụ nữ nội trợ, nhân viên văn phòng, sinh viên... có nhu cầu kiếm thêm thu nhập từ bán hàng tới cộng đồng của mình.

Hay, ứng dụng Mio của iTapHoa lại tập trung vào các mặt hàng tươi sống được nhập trực tiếp từ nông dân và nhà vườn, đảm bảo giá tốt cho những đối tác bán hàng.

Theo VECOM, tất cả những nền tảng mới này cố gắng cung cấp mọi dịch vụ cho đối tác để họ chỉ tập trung vào một việc duy nhất là bán sản phẩm cho khách hàng trong cộng đồng. Mọi dịch vụ liên quan, bao gồm quản lý kho và giao hàng sẽ do nền tảng cung cấp.

Tuy nhiên, Hiệp hội này cũng đánh giá, việc mua bán trên MXH sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro dễ dẫn tới tranh chấp, do liên quan tới nhiều bên liên quan, bao gồm nhà cung cấp sản phẩm, nền tảng hỗ trợ, người bán, người mua, các đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển phát, thanh toán...

Khi người mua chưa hài lòng với sản phẩm đã mua từ người bán và muốn đổi trả, việc xử lý hợp đồng được giao kết online giữa hai bên sẽ liên quan tới nhiều bên khác, nhất là hiện nay hầu hết quá trình mua bán cộng đồng đều diễn ra ở MXH nước ngoài.

“Rõ ràng, về phương diện cá nhân, hoạt động kinh doanh của người bán quá phụ thuộc vào các mạng xã hội nước ngoài luôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những rủi ro này còn lớn hơn nữa nếu xét trên phương diện quốc gia”- VECOM nhận định.

Đại diện VECOM cho hay, trên thực tế đã có nền tảng mua bán cộng đồng PingGo, đưa ra chính sách đổi trả tương đối rõ ràng, song khi số lượng người bán trên nền tảng này tăng từ vài chục nghìn lên vài trăm nghìn xác suất xảy ra tranh chấp sẽ cao hơn.

"Việc giải quyết tranh chấp sẽ không đơn giản giữa PingGo với người bán, người mua nữa. Do đó, cùng với sự phát triển nhanh chóng của mô hình mua bán trong cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT và các tổ chức hoà giải, trọng tài hay toà án cần có sự quan tâm thoả đáng tới mô hình này và có hướng dẫn, khuyến nghị kịp thời”- VECOM nêu rõ.

Mặc dù hiện nay, một số công ty hàng đầu Việt Nam như VNG (Zalo), Vi- ettel Telecom (Mocha), VCCorp (Lotus) đã xây dựng các MXH của mình. Tuy nhiên theo các chuyên gia của VECOM, để các MXH nội địa chiếm ưu thế là nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Bên cạnh nhiều yếu tố khách quan về người dùng, độ lan tỏa thì một mạng xã hội thành công chắc chắn cần những khoản đầu tư đáng kể.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm