Ngày 14-12, báo Người Lao Động và Công ty Sparklig tổ chức tọa đàm “doanh nghiệp nói không với vu khống trục lợi trên mạng xã hội”.
62 triệu tài khoản người Việt bảo vệ mạng xã hội nước ngoài.
Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ TT&TT cho biết theo thống kê, hiện Việt Nam có 62 triệu người dùng MXH.
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM (thứ 4 từ trái sang) ông Lê Quang Tự Do (thứ 5 từ trái sang) trao đổi thông tin cùng doanh nghiệp.
Thực trạng cho thấy người Việt “nghiện” MXH, chủ yếu là Facebook, you tube... Điều này khiến cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn. Vì khi có bất cứ chính sách gì đối với Facebook, Google tại Việt Nam, lực lượng 62 triệu người bảo vệ một cách tự nhiên.
Vì vậy, có những đối tượng lợi dụng để tác oai tác oái trên nền tảng xuyên biên giới, trong đó doanh nghiệp (DN) cũng trực tiếp bị ảnh hưởng.
Bà Lâm Thúy Ái, Phó Tổng giám đốc Công ty Mebipha, kể năm 2016, do không hài lòng trong hợp tác làm ăn, một người bạn đã đưa những thông tin không đúng lên MXH làm cho khách hàng cảm thấy thiệt thòi khi làm ăn với công ty…
“Đến nổi, sau một đêm tôi không muốn thức dậy vì sợ sẽ thấy thông tin công ty mà là tin xấu nổi bật trên các diễn đàn… Tôi đã khiếu nại với Facebook nhưng gần như là không có hiệu quả” - bà Ái nói.
Theo ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, người đọc tin giả mới bị ảnh hưởng nhiều nhất do họ không nhận thức được. Chẳng hạn, Saigon Co.op có trang Facebook đăng tuyển dụng nhân sự, sau đó có xuất hiện nhiều trang tuyển dụng giả. Kết quả là người đọc thông tin giả bị mất tiền, họ quay lại phản ứng với DN.
Trong khi đó, ông Willson Tang, Giám đốc vùng Công ty Sparkling (Singapore), nhận định mục đích việc đưa thông tin sai lệch, thông tin không đúng… trên MXH là ghét nhau; làm hại DN nào đó; để quảng bá sản phẩm… nhưng lý do chính là vì tiền.
Theo ông Willson Tang, vào năm ngoái người dân Singapore nhận được thông tin khuyến mãi vé máy bay miễn phí của Singapore Airlines. Tuy nhiên, đó là tin giả của người lừa đảo và họ thu thập được rất nhiều thông tin cá nhân mật khẩu, thẻ tín dụng của người dùng. Thời điểm đó, Singapore Airlines đã nhanh chóng đưa ra thông tin đính chính ngay là không có chương trình khuyến mãi miễn phí vé máy bay….
DN đồng hành với báo chí uy tín
Ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết tại TP.HCM có 14 triệu tài khoản MXH, đứng thứ bảy toàn cầu các thành phố lớn có MXH.
Cơ quan quản lý thường xuyên nhận được đơn thư phản ánh, tố cáo nhiều nhất của nhóm bệnh viện thẫm mỹ, các phòng khám tư nhân; nhóm bất động sản; tranh chấp khác liên quan đến dân sự.
Theo ông, MXH hiện nay ai cũng là tổng biên tập để phát hành thông tin của mình nên việc kiểm soát của cơ quan nhà nước cần sự chia sẻ văn minh của các DN là không thỏa hiệp, không chấp nhận những thông tin nói xấu mình.
Mặt khác, quan điểm chỉ đạo chung xuyên suốt của lãnh đạo thành phố là không khoan nhượng, không thỏa hiệp, không có chuyện mắt nhắm mắt mở làm ngơ trước những vi phạm. Do đó, tùy vụ việc căn cứ theo thẩm quyền Sở sẽ xử phạt hành chính tối đa 30 triệu đồng hoặc chuyển cơ quan công an…
Theo ông Do, Bộ TT&TT muốn hình thành mặt trận liên kết gồm cơ quan quản lý với DN nhưng trước hết DN tự bảo vệ mình, nhà nước sẽ có những hỗ trợ.
Vừa qua có một DN sữa lớn bị tung tin không đúng trên Facebook, chỉ trong hai ngày mất 8.400 tỉ trên sàn chứng khoán, DN này lập tức đề nghị Cục hỗ trợ.
Theo đó, Cục hướng dẫn DN phải chính thức gửi thông tin khẳng định mình đúng với đầy đủ bằng chứng… đến NTD đầu tiên. Sau đó, DN chuyển ngay các thông tin đó để Cục yêu cầu Facebook hạn chế lan truyền thông tin sai. Đồng thời, DN phối hợp với chính quyền địa phương, công an địa phương truy tìm người tung tin để xử lý. Đây là ba bước tức thời giúp DN xử lý khủng hoảng.
Ông Do cũng lưu ý hiện nay có một vài DN dùng các KOLs để bảo vệ cho mình nhưng đây là con dao hai lưỡi rất nguy hiểm. Các KOLs trên MXH trách nhiệm pháp lý của họ thấp, DN nên đồng hành với cơ quan báo chí có uy tín.