Trong tuần qua, các bài viết “Cận cảnh những điểm bán thịt bẩn kinh hoàng”, “Ớn lạnh gà bán trong trung tâm giết mổ gia cầm”… nhận rất nhiều ý kiến phản ứng về tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn.
Thực phẩm bẩn: Trách nhiệm chính quyền ở đâu?
Các bài viết nói trên của Pháp Luật TP.HCM trong tuần qua ghi nhận thực tế tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn (phường 13, quận Gò Vấp, TP.HCM) và ở căn nhà không số trên đường Nguyễn Văn Quá, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP.HCM. Bò, gà… để tênh hênh trên nền đất ẩm ướt, rác rến, gần cống thoát nước. Sau khi được chế biến, chúng trở thành những thực phẩm trông rất đẹp mắt và được bày bán tại các quán ăn.
Bạn đọc Huỳnh Mạnh Tiến cho ý kiến: Những người được nhân dân giao phó trách nhiệm vô trách nhiệm. người dân đành phải chấp nhận sống chung với mất an toàn thực phẩm và phó mặc cho số phận.
Bạn đọc Thái Điểm Mai bức xúc: Tại sao lại kinh doanh kiểu bất nhân như vậy? Mong mọi người tẩy chay những quán nào kinh doanh thực phẩm bẩn để họ không còn đất sống. Không thể chấp nhận việc làm giàu trên tính mạng, sức khỏe của người khác như vậy.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Câu hỏi đặt ra khi nạn xây lụi vẫn tồn tại
Sau loạt bài xây dựng không phép ở Bình Chánh, các ngành chức năng đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý tình trạng này. Tưởng được giải quyết rốt ráo, thế nhưng người dân tiếp tục gọi điện thoại đến đường dây nóng của báo tiếp tục phản ánh về tình trạng xây dựng không phép. Bài “Nhà xây ở Bình Chánh: Đang kiểm tra vẫn không ngán” ghi nhận tiếp tình trạng xây dựng không phép ở địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh gần đây nhất. Bài viết khiến nhiều bạn đọc bức xúc trước sự bất lực của chính quyền địa phương.
Bạn đọc Trung Cang đặt câu hỏi: Tại sao dân dám xây nhà trái phép? Vì chính quyền làm ngơ chăng?
“Báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài viết xây nhà lụi (không phép) ở hai xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B. UBND TP.HCM đã chỉ đạo làm rõ nhưng tình trạng xây không phép vẫn diễn ra. Không lẽ phép vua thua lệ làng?” - bạn đọc Anh Bảy bày tỏ bức xúc.
Bạn đọc Nguyễn Hoàng Châu góp ý vụ việc này nên chuyển qua cơ quan điều tra để tiến hành điều tra vài ngàn căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp không phép. Phải truy đến cùng việc chung chi như thế nào để họ dám xây dựng ngang nhiên như vậy.
Cấm đòi nợ người thân khách hàng: Hợp ý dân
Bài viết “Cấm công ty tài chính đòi nợ qua người thân” nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của bạn đọc về việc bổ sung quy định này. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính quy định công ty tài chính không được nhắc nợ, đòi nợ tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho khách hàng.
Bạn đọc Bá Bình cho rằng hiện giờ rất nhiều người là nạn nhân bị công ty tài chính đòi nợ. Rất bực bội khi nửa đêm mà nghe những cuộc điện thoại không liên quan đến mình. Ngoài việc quy định nên có hình thức phạt hẳn hoi đối với những trường hợp như thế.
“Nhất trí với chuyện phải bổ sung quy định buộc các công ty tài chính không được đòi nợ người thân của con nợ. Ai nợ thì níu áo người đó” - bạn đọc Vũ Nam đồng tình.
Bóng đá Việt Nam ở đẳng cấp cao hơn Trước chiến thắng 4-0 giữa Việt Nam - Thái Lan, đội bóng U-23 đã giành ngôi đầu của Thái Lan ở bảng K và chính thức lấy một suất vào chơi vòng chung kết U-23 châu Á. Đây là lần đầu tiên ông Park Hang-seo dẫn dắt học trò của mình vượt qua ngọn núi lớn Thái Lan trong một giải đấu chính thức. Bài viết “Việt Nam thắng đẹp Thái Lan 4-0” đã nhận được nhiều ý kiến bày tỏ cảm xúc đầy tự hào đối với đội bóng Việt Nam. - Cách chơi trong trận bóng này đã nói lên tất cả. Các cầu thủ Việt Nam đã chính thức bước lên một đẳng cấp mới. Chúng tôi - những người yêu bóng đá có thể tự tin rằng đẳng cấp Việt Nam sẽ hơn hẳn Thái Lan bắt đầu từ hôm nay - Thanh Tùng - Giờ đội Thái Lan mỗi khi gặp lại đội Việt Nam đều ở tâm thế kèo dưới và đôi chân nặng nề hơn. Cảm giác quá sướng, quá tự hào, tôi yêu Việt Nam! - Văn Hảo - Quá tuyệt vời Việt Nam ơi! Các cầu thủ U-23 ơi, xin hãy viết lên trang sử mới, một trang sử hào hùng cho nền bóng đá nước nhà - Đình Thái |