Kinh hoàng con đường đi của cá thối…
Để thấy được con đường đi của cá ươn, thối từ chợ đến bàn ăn, PV đã có cuộc theo chân các “đầu nậu” từ chợ đầu mối Yên Sở đến các chợ nhỏ, lẻ và cuối cùng là đến bàn ăn của các thượng khách.
5h sáng, tại chợ đầu mối Yên Sở, các tiểu thương nhỏ, lẻ bắt đầu đến lấy cá chết để về tập trung tại một số địa điểm chế biến. Theo nhiều chủ cá ở đây tiết lộ: “Sáng nào cũng có tiểu thương đến thu mua cá chết, do càng về sáng, trời nắng nóng nên lượng cá chết rất nhiều. Vì giá cả thấp, các tiểu thương đã không quản ngại xa xôi về đây lấy cá, người mua nhiều nhất cũng lên đến cả dăm chục cân. Các tiểu thương chủ yếu ở Thường Tín, Thanh Trì, Cầu Giấy…”
Để biết được số cá chết mà các tiểu thương đã thu mua tại chợ đầu mối Yên Sở được “tập kết” ở đâu, người viết đã theo chân một số tiểu thương. Sau khi đã thu mua được số cá chết, một số tiểu thương đã bắt đầu di chuyển xuôi theo cầu Pháp Vân, rồi đi thẳng lên đường Vành đai 3. Sau một hồi bám chân, điểm dừng chân của các tiểu thương là chợ Sinh Viên (Xuân Thủy-Cầu Giấy).
Đi vào trong chợ, hàng chục tiểu thương đang rất bận rộn “chế biến” cá ươn, thối sau khi được thu mua về. Lúc này, đồng hồ cũng đã điểm 6h, theo ghi nhận của phóng viên, chợ cá ươn, thối được tách riêng biệt với chợ rau, củ, quả. Mọi hoạt động đều công khai mà không thấy một lực lượng chức năng nào kiểm tra, xử lí.
Cá ươn, thối hoạt động công khai tại chợ Sinh Viên. |
Theo quan sát của PV, ngay tại chợ cá ươn, thối luôn tấp nập kẻ bán, người mua và chủ yếu là cá rô phi đã được lọc bỏ xương. Mặc dù cá đã chết ươn, thậm chí đã bốc mùi hôi thối nồng nặc nhưng vẫn luôn đắt hàng. Vì giá rất rẻ, nên số lượng cá chết vẫn luôn thu hút khách, đặc biệt là đối với công nhân lao động có thu nhập thấp và sinh viên của các trường đại học, cao đẳng lân cận.
Trao đổi với PV, bạn Thu Hằng-sinh viên trường HV Báo chí & Tuyên Truyền cho biết: “Hằng ngày tôi luôn tranh thủ ra chợ thật sớm để mua thức ăn cho các bạn cùng phòng. Do cá ở đây được lọc sẵn, giá lại phù hợp với túi tiền nên đây là lựa chọn số 1 của các bạn sinh viên. Cá ở đây sau khi được lọc thành phẩm thì có giá 8-9 nghìn đồng/kg. Như vậy, mỗi bữa đi chợ sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí”.
Sau khi dạo quanh một vòng, trong vai một vị khách mua cá, tôi dừng lại trước một quầy nhỏ có 3 người đang hì hục làm cá, mùi hôi thối của cá bốc lên nồng nặc. Tôi hỏi: “Cá ươn, thối này thì giá cả thế nào?”, một người phụ nữ trẻ tuổi tiếp lời: “Cá này chỉ vừa mới chết thôi em, ở đây khách vẫn mua đều đều, có sao đâu. Nếu em lấy thì ngồi đợi chị lọc thịt cho rồi mà lấy”.
Thấy bên cạnh có chừng gần 10 cân cá đã được lọc thịt thành phẩm, tôi có ý định muốn mua thì người phụ này cho biết: “Số cá kia đã có các quán bún và nhà hàng đặt cả rồi, nếu muốn lấy thì phải ngồi đợi thôi”.
Theo quan sát của phóng viên, ngay bên cạnh, có một thùng lớn đầy nước chứa cá rô phi chết trắng bụng. Hoặc ngay dưới nền đất, các tiểu thương vô tư đặt cá lọc thịt hết sức bẩn thỉu.
Theo tìm hiểu, trước đây, khi các thương lái lấy cá chết từ chợ đầu mối Yên Sở về thì được tập kết tại chợ Dịch Vọng, nhưng sau khi báo chí vào cuộc phanh phui, Bộ Y tế kết hợp với chính quyền địa phương xuống dẹp thì nay chợ cá ươn, thối lại di chuyển qua chợ Sinh Viên với hình thức tương tự, nhưng lần này các tiểu thương lại làm công khai hơn.
Theo một số tiểu thương tiết lộ: “Trước đây, các chủ quán cơm bình dân, quán bún cá, nhà hàng đều đến đây mua cá nguyên con, họ về tự chế biến nhưng thời gian này, một số chủ cửa hàng bận quá nên chúng tôi tự lọc thịt thành phẩm và đi giao hàng. Cũng có một số “đầu nậu trung gian” đến đây lấy cá đã lọc và phân phối đi các quán ăn trên địa bàn”.
Cá ươn, thối sau khi được lọc sẵn thành phẩm thì có giá từ 8-15 nghìn đồng/kg, nếu các tiểu thương tự lọc và tự đi giao đến các cửa hàng thì giá sẽ được “đội” lên từ 10-20 nghìn đồng/kg. Còn nếu các “đầu nậu trung gian” đến lấy cá rồi đi giao hàng cho các cửa hàng thì giá cả họ tự thỏa thuận với nhau.
Các tiểu thương cũng cho biết, các khu vực mà chính họ hay “đầu nậu trung gian” đi bỏ mối thường là các quán bún cá, quán cơm bình dân, nhà hàng nhỏ ở khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm, quanh bến xe Mỹ Đình… Bởi lẽ, quanh khu vực này thường tập trung nhiều sinh viên, công nhân lao động, hành khách đi xe…
Trở thành món ăn ngon, phục vụ sinh viên, người lao động
Chúng tôi tiếp cận được một “đầu nậu trung gian” chuyên đi mua cá đã được lọc sẵn và đi bỏ mối cho các cửa hàng bún quanh khu vực Cầu Giấy. Nam thanh niên này không ngần ngại cho tôi biết: “Ngày xưa mình hay lấy cá dưới chợ Dịch Vọng, nhưng sau đó chính quyền địa phương vào cuộc gắt gao, một số tiểu thương đã bỏ chợ lên chợ Sinh viên để làm, vậy là mình lên đây để lấy cá.
Cá ở đây đã chết lâu, thậm chí là có một số cá đã có mùi hôi bốc lên nhưng do giá cả rẻ nên được các quán ăn rất ưa chuộng, khi chế biến ra thì khách hàng cũng không phát hiện được nên mỗi ngày mình đi bỏ mối cho các quán bún cá, quán cơm bình dân khoảng một trăm cân cá”.
“đầu nậu” đưa đi bỏ mối tại các quán bún cá. |
Chủ cá cũng tranh thủ đi bỏ mối cho các quán ăn. |
Lo ngại khi ăn phải bún cá không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là nguồn gốc của cá, các chủ quán ăn đều không được biết, một chủ quán bún canh cá trên phố Duy Tân (Nơi nam thanh niên vừa giao hàng-PV), cho biết: “Thật ra chúng tôi cũng lấy cá ở một số mối quen biết từ trước, không rõ nguồn gốc cá ở đâu nhưng chúng tôi mở quán cũng được mấy năm nay rồi, chưa thấy một trường hợp nào có dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm. Mà các chú cứ yên tâm đi, khi mua về, chúng tôi đã chế biến kĩ lắm rồi nên sẽ không có chuyện mất vệ sinh đâu”.
Vậy là những mớ cá ươn, thối, giá rẻ sau đi được các tiểu thương lọc thịt thành phẩm, đưa đến các quán ăn. Ở đây, các chủ quán ăn lại “phù phép” để những món ăn vốn rất dễ phân hủy và sinh ra các độc tố ảnh hướng đến sức khỏe người sử dụng. Một số bệnh mà người tiêu dùng gặp phải khi ăn phải cá ươn, thối là, bệnh đường ruột, tiêu chảy…có thể dẫn đến tử vong do ngộ độc thức ăn.
Không ai dám đảm bảo bún cá sau khi được chế biến sẽ an toàn. |
Trao đổi với PVt, ông Nguyễn Duy Thịnh-PGS.TS Viện sinh học-công nghệ thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) chia sẻ: “Theo Luật vệ sinh an toàn thực phẩm quy định, cấm sử dụng các nguyên liệu như: Thịt, trứng, cá… đã bị hư hỏng, ôi thiu. Bởi, những thực phẩm này chứa phần lớn protein nên khi bị hư hỏng thì sẽ sinh ra rất nhiều độc tố trong đó. Vì ham lợi nhuận cao nên không ít các chủ quán cơm bình dân, nhà hàng đã mua những thực phẩm không đảm bảo vệ sinh về để chế biến.
Để đánh lừa người người tiêu dùng, các chủ quán ăn đã sử dụng chất tạo mùi để khách hàng không còn phát hiện được nữa. Khi chúng ta ăn phải những thực phẩm hư hỏng có nhiễm độc tố thì sẽ gây độc cho cơ thể, dẫn tới ngộ độc thực phẩm và có thể nguy hại đến tính mạng con người. Chính vì vậy, các chị, em phụ nữ cần hạn chế tối đa việc mua các đồ ăn sẵn được bày bán ở các quầy lưu động, các quán cơm bình dân, nguy cơ nhiễm độc tố từ thực phẩm sẽ rất cao. Nên chọn những chỗ uy tín, đảm bảo chất lượng, đã qua kiểm dịch để sử dụng”.
Theo Du Nghĩa/Infonet