Kinh tế toàn cầu: Vượt gió to 2024, chờ sóng lớn 2025

(PLO)- Kinh tế toàn cầu đã trải qua một năm 2024 nhiều biến động, liệu năm 2025 sẽ mang lại cơ hội và cả thách thức thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn đầy biến động của thế giới, với các cuộc xung đột và thay đổi địa chính trị diễn ra trên khắp các khu vực. Dù vậy, kinh tế toàn cầu vẫn tìm được cách để ổn định trở lại sau những cú sốc từ đại dịch và lạm phát.

Liệu nền kinh tế thế giới có tiếp tục giữ được đà tăng trưởng, hay sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược khó lường trong năm 2025?

Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2024

Trong một năm được gọi là “năm bầu cử” như 2024, với khoảng 2 tỉ cử tri ở hơn 60 quốc gia đủ điều kiện để tham gia bỏ phiếu, nền kinh tế trở thành vấn đề được quan tâm hơn bao giờ hết.

Năm 2024, nền kinh tế toàn cầu ổn định trở lại sau hậu quả của đại dịch COVID-19, ngay cả khi tăng trưởng ở nhiều quốc gia vẫn chậm lại so với mức trước năm 2020.

kinh-te-toan-cau-vuot-gio-to-2024-cho-song-lon-2025 (2).jpg
Kinh tế toàn cầu 2024 đã tránh được những kịch bản trì trệ như các dự đoán trước đó. Ảnh: BLOOMBERG

Năm qua, lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt và nhiều nước bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ, tạo điều kiện cho tăng trưởng. Theo tờ The New York Times, trong mùa hè và mùa thu năm 2024, nhiều nền kinh tế lớn đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ đại dịch.

Ngày 18-12 vừa qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã giảm 0,5% lãi suất, đánh dấu lần giảm lãi suất thứ ba liên tiếp kể từ tháng 9. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kết thúc năm với bốn lần cắt giảm lãi suất, gần đây nhất là 0,25% vào tháng 12.

Năm 2024 cũng chứng kiến nhiều chính quyền đương nhiệm gặp thách thức xuất phát từ các vấn đề kinh tế. Trong “năm bầu cử”, cử tri ở nhiều nước, bao gồm Anh, Nam Phi, Sri Lanka, Nhật và Ấn Độ,... hoặc đã loại bỏ hoàn toàn các đảng cầm quyền hoặc khiến các đảng này chỉ còn giữ quyền lực hạn chế do các lo ngại về chi phí sinh hoạt. Tại Mỹ, chiến thắng quyết định của ông Donald Trump được cho là xuất phát từ sự bất mãn của người dân đối với những tác động kéo dài của lạm phát hậu đại dịch dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Bất chấp một số xáo trộn, kinh tế Mỹ 2024 được đánh giá là tăng trưởng tốt. Vào tháng 10, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2024 lên 2,8%, tăng 0,2% so với ước tính hồi tháng 7. Việc điều chỉnh tăng này phản ánh chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh mạnh mẽ - hai yếu tố tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

Ngược lại, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). IMF hồi tháng 10 dự báo các nước liên minh châu Âu (EU) sẽ chỉ tăng trưởng 0,8% vào năm 2024, giảm 0,1% so với triển vọng hồi tháng 7.

Trong số các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, Đức được dự đoán sẽ có hiệu suất kém nhất. Nền kinh tế Đức được dự báo suy giảm 0,3% vào năm 2024. “Sự suy yếu dai dẳng trong sản xuất đang ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng của các quốc gia như Đức và Ý” - theo IMF.

Trong khi đó, theo IMF, châu Á vẫn là động lực tăng trưởng của thế giới trong năm nay. Dự báo tăng trưởng khu vực năm 2024 đã được nâng lên mức 4,6% vào tháng 10, so với 4,5% hồi tháng 4, chủ yếu nhờ vào hiệu suất vượt kỳ vọng trong nửa đầu năm. Châu Á dự kiến sẽ đóng góp khoảng 60% vào tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024.

Theo báo cáo của công ty tài chính S&P Global Market Intelligence công bố ngày 5-12, “căng thẳng kinh tế, bất ổn trong nước, quan hệ đối tác khó khăn và rắc rối thương mại” sẽ là những chủ đề chính chi phối kinh tế toàn cầu trong năm 2025.

Nhiều thách thức chờ đợi năm 2025

Dù kinh tế toàn cầu năm 2024 đã tránh được kịch bản dễ tổn thương trước những rủi ro kinh tế và địa chính trị, các chuyên gia cho rằng triển vọng kinh tế 2025 không quá lạc quan.

Kinh tế toàn cầu: Vượt gió to 2024, chờ sóng lớn 2025
Một siêu thị ở TP New York (Mỹ). Ảnh: GETTY IMAGES

Đầu tiên là tác động từ sự trở lại của Tổng thống đắc cử Trump. Ông Trump đã tuyên bố sẽ theo đuổi một chính sách thương mại “Nước Mỹ trước tiên”, cam kết áp mức thuế quan 25% đối với Canada và Mexico, từ 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc và mức thuế 20% áp dụng cho tất cả hàng nhập khẩu.

Gần đây nhất, trong tháng này, ông Trump đã đe dọa áp thuế 100% đối với hàng hóa từ các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) nếu nhóm này tung ra một đồng tiền mới cạnh tranh với đồng USD.

Các nhà kinh tế cảnh báo, các đề xuất áp thuế toàn diện của ông Trump sẽ làm tăng chi phí sinh hoạt hàng ngày tại Mỹ và gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm nhẹ xuống 2,6% vào năm sau, so với 2,8% trong năm 2024” - chuyên gia Brian Coulton, nhà kinh tế trưởng tại tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch Ratings (trụ sở Mỹ), chia sẻ với hãng thông tấn Anadolu Agency.

Đồng quan điểm, ông Ahmet Ihsan Kaya - nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NIESR - Anh), cảnh báo rằng tăng trưởng toàn cầu có thể giảm khoảng 1% nếu các biện pháp thuế quan của ông Trump được thực thi trên diện rộng.

Về triển vọng của các nền kinh tế lớn, giới quan sát dự đoán mức tăng trưởng của các trụ cột kinh tế toàn cầu có thể chậm lại trong năm 2025. Chuyên gia Coulton cho rằng tăng trưởng kinh tế Mỹ dự kiến ​​sẽ tiếp tục chậm lại và xuất khẩu sang Trung Quốc cũng có thể giảm tốc. Mỹ cũng sẽ phải đối mặt nhiều nguy cơ cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Việc siết chặt nhập cư cũng có thể làm tăng áp lực lạm phát ở Mỹ khi làm giảm tăng trưởng nguồn cung lao động, điều này có thể dẫn đến lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed sẽ nông hơn so với dự kiến” - ông Coulton nói.

Khu vực đồng euro khả năng được dự đoán sẽ có sự phục hồi nhẹ về chi tiêu của người tiêu dùng vào năm 2025 do tiền lương thực tế tăng, mặc dù sự phục hồi này có thể yếu hơn dự kiến. Tuy nhiên, EU sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn hơn, trong đó có nợ công.

Theo ông Kaya, việc giảm gánh nặng nợ đòi hỏi EU phải có sự củng cố tài chính mạnh mẽ. Song ông lưu ý rằng việc EU khuyến khích các quốc gia tăng tiết kiệm khu vực công và tăng thuế đã dẫn đến phản ứng và bất ổn xã hội, chẳng hạn tình hình bất ổn chính trị đang xảy ra ở Pháp. Ngoài ra, những cảnh báo áp thuế từ phía ông Trump cũng sẽ có tác động tới tăng trưởng kinh tế của EU.

Tương tự, nếu thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc tăng mạnh, dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2025 và 2026 chắc chắn sẽ giảm. Tuy nhiên, ông Coulton cho biết vẫn còn kỳ vọng rằng chính sách tài khóa của Trung Quốc sẽ được nới lỏng mạnh mẽ hơn để giảm bớt tác động của việc tăng thuế quan của Mỹ đối với nền kinh tế.

Kinh tế Trung Quốc được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng 4,5% trong năm 2025. Tại châu Á nói chung, mức tăng trưởng kinh tế năm 2025 được IMF dự đoán sẽ tăng 4,6% - vẫn là mức tăng bền vững, xứng đáng với tên gọi động lực kinh tế toàn cầu.

Theo dự báo của IMF, nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỉ USD trong năm 2025, đứng thứ 33 toàn cầu.

Dù được cho là sẽ đối mặt với nhiều thách thức, chuyên gia nhận định kinh tế toàn cầu 2025 sẽ có điểm sáng về lạm phát.

Chuyên gia Kaya của NIESR cho rằng lạm phát ở các nước phát triển dự kiến ​​sẽ vẫn được kiểm soát vào năm 2025 nếu lãi suất vẫn được giảm đều như năm 2024. Ông Kaya dự đoán Fed sẽ giảm lãi suất xuống mức 3,25% - 3,5%, ECB sẽ hạ xuống 2,25%, và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ đưa lãi suất xuống 3,75% vào cuối năm 2025.

Giải pháp ứng phó thách thức kinh tế 2025

Trong báo cáo Triển vọng kinh tế công bố ngày 5-12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã gợi ý giải pháp để các nền kinh tế toàn cầu có thể ứng phó với những thách thức trong năm 2025.

Cụ thể, các nước cần tập trung giảm lạm phát một cách bền vững, xử lý các áp lực tài khóa đang gia tăng và giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động nhằm xóa bỏ các rào cản cấu trúc đối với tăng trưởng.

Các nền kinh tế phát triển (trừ Nhật) nên tiếp tục giảm lãi suất chính sách ngân hàng trung ương. Thời điểm và mức độ giảm lãi suất cần được cân nhắc cẩn trọng, dựa trên dữ liệu thực tế, để đảm bảo áp lực lạm phát tiềm ẩn được kiểm soát hoàn toàn.

Cần hành động quyết đoán về tài khóa nhằm đảm bảo tính bền vững của tài chính công, đồng thời cung cấp nguồn lực cần thiết để các chính phủ ứng phó với các cú sốc và áp lực chi tiêu trong tương lai. Những nỗ lực mạnh mẽ trong ngắn hạn cần tập trung kiềm chế tăng trưởng chi tiêu, tối ưu hóa nguồn thu và xây dựng lộ trình điều chỉnh trung hạn đáng tin cậy để ổn định gánh nặng nợ công.

Cải cách cơ cấu kinh tế là chìa khóa để khôi phục tăng trưởng tiềm năng. Các chính sách cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển kỹ năng, và giảm các rào cản trên thị trường lao động và sản phẩm, giúp thúc đẩy đầu tư và tăng cường sự linh hoạt trong di chuyển lao động.

“Cải cách cơ cấu là nền tảng để tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững hơn. Tình trạng thiếu hụt lao động đã và đang là thách thức đối với doanh nghiệp ở nhiều quốc gia, và già hóa dân số sẽ càng làm vấn đề này trầm trọng hơn. Chính sách cần đảm bảo kỹ năng lao động phát triển phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời tăng tỉ lệ tham gia lao động, đặc biệt là đối với người cao tuổi và phụ nữ” - theo ông Alvaro Pereira, chuyên gia Kinh tế trưởng của OECD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm