Kinh tế xanh sẽ vận hành ra sao?

(PLO)- Sáng nay 6-9, báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon". Dịp này, các chuyên gia đều cho rằng phát triển kinh tế xanh là xu hướng chung của thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Số liệu thống kê cho thấy TP.HCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn.

Trong khi đó, TP.HCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào năm 2030 và 30%, tương đương với khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.

Kinh tế xanh là xu hướng tất yếu

Đánh giá về kinh tế xanh, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thành phố đang đứng trước các thách thức to lớn về biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, TP cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh và thúc đẩy chuyển đổi xanh để tạo không gian mới, năng lực cạnh tranh mới, đóng góp vào kinh tế cả nước.

"Đây là những vấn đề nội tại, nếu không chuyển đổi xanh, không có chính sách cụ thể, lâu dài thì nền kinh tế TP sẽ mất đi năng lực cạnh tranh" - Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.

Phát triển kinh tế xanh sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM. Ảnh: Nhật Tiến

Phát triển kinh tế xanh sẽ tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM. Ảnh: Nhật Tiến

Với xu hướng này, số lượng và chất lượng các dự án xanh trong những năm tới sẽ tăng lên đáng kể, đòi hỏi thị trường vốn xanh cần được phát triển với quy mô tương ứng.

Chia sẻ về tín dụng xanh, ông Phạm Trung Kiên - Phó trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Miền Nam cho biết: Ở Agribank, mức cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và đặc biệt là kinh tế xanh có lãi suất rất thấp. Ngân hàng cũng chủ động tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ ngành đầu mối, các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ khác để tăng trưởng nguồn vốn và hỗ trợ cho các dự án xanh.

"Riêng với địa bàn TP.HCM, Agribank đã chuẩn bị mọi nguồn lực để thực hiện các chỉ đạo chung của TP, Ngân hàng Nhà nước trong các chính sách phát triển tín dụng xanh để thực hiện thành công Nghị quyết 98 của Quốc hội" - ông Kiên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Đăng Thanh, Phó Tổng giám đốc HDBank, trong năm ngoái, HDBank đã giải ngân hơn 11.000 tỉ đồng cho các dự án chuyển đổi xanh, các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bên cạnh việc tập trung nguồn vốn và phát triển các sản phẩm tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), đặc biệt với các doanh nghiệp SME do phụ nữ làm chủ.

"Đối với thị trường tín chỉ carbon, khi khung pháp lý đối với thị trường này hoàn chỉnh và việc vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon vào năm 2025 được thực hiện, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia thị trường này" - ông Thanh nói.

Tìm vốn cho kinh tế xanh

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết cách đây 5 năm, ngành dệt may đã chịu nhiều áp lực từ thị trường xuất khẩu như áp lực đánh giá của nhãn hàng về thị trường xanh bền vững, khí thải, rác thải, môi trường làm việc và đặc biệt là các chứng chỉ an toàn cho sản phẩm vào thị trường khó tính như châu Âu hay Mỹ.

Thực tế đã có doanh nghiệp đầu tư hệ thống sản xuất xanh nhưng con số này vẫn còn rất khiêm tốn.

Vấn đề tài chính xanh, trái phiếu xanh vẫn còn mới mẻ ở Việt Nam. Để trái phiếu xanh có thể phổ biến tại Việt Nam, các nhà phát hành phải quan tâm đến vấn đề đó là sử dụng vốn thế nào, các nhà phát hành phải cho nhà đầu tư biết việc quản lý dòng vốn để có nguồn trả nợ cho trái phiếu như thế nào…

Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần đưa ra các tiêu chí, quy chuẩn về trái phiếu xanh để các nhà phát hành phải tuân thủ.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế

"Do vậy, các cơ quan quản lý cần có hướng dẫn linh hoạt cho từng doanh nghiệp, từng địa phương để đảm bảo khả năng tài chính, nội lực thực hiện. Cùng với đó là chính sách vốn để các doanh nghiệp dệt may đầu tư máy móc, công nghệ theo xu hướng xanh, bền vững" - ông Giang nêu quan điểm.

TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) cho rằng với mục tiêu không phát thải, TPHCM cần sử dụng các nguồn tài chính xanh, kể cả phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương (để đầu tư một phần hay toàn bộ) cho các dự án năng lượng tái tạo

Đơn cử như các dự án điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ, điện mặt trời áp mái; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; hỗ trợ DN đổi mới công nghệ…

“TP.HCM có thể bắt đầu bằng việc công bố danh mục các dự án xanh với đầy đủ thông tin, tổng mức đầu tư, đánh giá của các định chế tài chính, tư vấn độc lập… Qua đó lên kế hoạch huy động vốn bằng trái phiếu chính quyền xanh hay trái phiếu xanh do doanh nghiệp dự án phát hành” - TS Trần Văn nhấn mạnh.

Tận dụng ưu đãi từ Nghị quyết 98

Ths Nguyễn Thị Thu Hà, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định Nghị quyết 98 có hiệu lực từ ngày 1-8 đã mở ra một số cơ hội cho TPHCM, bao gồm quy chế mới trong quản lý ngân sách nhà nước và thí điểm thị trường carbon.

Do vậy, TP.HCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm