BáoPháp Luật TP.HCM tiếp tục giới thiệu những nhận định về tác động của dịch COVID-19 đến tình hình kinh tế, việc làm và các thức tiếp cận các chính sách bảo trợ xã hội của nhóm yếu thế tại Việt Nam của TS Chang-Hee Lee Giám đốc, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.
Phụ nữ dễ tổn thương nhất
Người đứng đầu ILO tại Việt Nam chỉ ra nhóm dễ bị tổn thương nhất gồm người lao động làm công việc phi chính thức, lao động di cư và phụ nữ. Nhu cầu của họ cần phải được ưu tiên và cấp bách cần giải quyết.
Mặc dù tỉ lệ phi chính thức ở Việt Nam đã giảm, hơn 70% dân số có việc làm (bao gồm cả các việc làm nông nghiệp) vẫn đang làm các công việc phi chính thức. Phần đông những lao động này không được hưởng các hình thức bảo vệ cơ bản như khi làm những công việc chính thức. Đó là chế độ bảo vệ thu nhập, nghỉ ốm và chăm sóc y tế.
Trong cuộc khủng hoảng COVID-19 này, họ có thể buộc phải tiếp tục làm việc hay không muốn tự cách ly khi cần. Như vậy, họ tự đặt sức khỏe của bản thân vào tình thế nguy hiểm và có nguy cơ lây nhiễm cho thêm nhiều người. Đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là lao động tự làm, lao động phi chính thức làm việc trong các lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất, lao động giúp việc gia đình và lao động trong nền kinh tế gig (nền kinh tế việc làm tự do).
Phụ nữ được đánh giá là một trong ba thuộc nhóm dễ tổn thương về việc làm, thu nhập do khủng hoảng từ đại dịch COVID-19. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN
Trong khi đó, lao động di cư trong nước, lực lượng chiếm 13,6% tổng dân số, thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức không có hợp đồng làm việc và không được tiếp cận với các chế độ bảo trợ xã hội. Lao động di cư trong nước thường làm việc trong những lĩnh vực bị khủng hoảng việc làm nặng nề nhất.
Bên cạnh đó, phụ nữ là đối tượng phải chịu gánh nặng của cuộc khủng hoảng lần này. Như tôi đã đề cập, bốn lĩnh vực ILO xác định có nguy cơ bị ảnh hưởng lớn nhất là dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, thương mại bán buôn và bán lẻ, bất động sản và hoạt động kinh doanh hiện đang sử dụng 44,1% lao động nữ ở Việt Nam, trong khi tỉ lệ này đối với lao động nam chỉ là 30,4%.
TS Chang-Hee Lee cho rằng phụ nữ cũng là lực lượng đảm nhiệm các công việc chăm sóc ở tuyến đầu. Họ chiếm phần đông trong số 2 triệu lao động gia đình không được trả lương. Đa phần họ là những người chăm sóc chính cho con cái và cha mẹ già. Họ cũng chiếm số đông trong các công việc thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất (dệt may, giúp việc gia đình). Chính vì vậy, rất cần thiết phải đảm bảo cách có tính đến yếu tố giới trong các phản ứng chính sách.
"Trẻ em cũng có thể bị ảnh hưởng do bố mẹ mất việc làm hay bị cắt giảm thu nhập. Khi xảy ra khủng hoảng, tình trạng bỏ học, suy dinh dưỡng, bóc lột lao động và lao động trẻ em có thể gia tăng nghiêm trọng dẫn đến những hệ quả lâu dài và không thể đảo ngược được đối với công cuộc phát triển nguồn lực con người", TS Lee chia sẻ.
Cách thức tiếp cận các chế độ bảo trợ xã hội
Giám đốc ILO tại Việt Nam nhận định việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế với chi phí phải chăng là vấn đề quan trọng trước hết để tránh tình trạng khiến người dân không tìm đến dịch vụ chăm sóc, xét nghiệm và được hưởng điều trị cần thiết nếu họ không thuộc diện được bảo hiểm.
Lao động di cư cũng nằm trong nhóm dễ tổn thương do tác động của dịch COVID-19. Ảnh minh họa: PHONG ĐIỀN
Đây là vấn đề thiết yếu để bảo toàn tính mạng và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh. Bảo vệ sức khỏe về khía cạnh tài chính cũng rất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng bần cùng hóa của các cá nhân và hộ gia đình do phải bỏ tiền túi chi trả các chi phí chăm sóc y tế trực tiếp. Không chỉ liên quan đến vấn đề tài chính mà cũng cần thiết phải đảm bảo tiếp cận dịch vụ chăm sóc theo khu vực địa lý, đặc biệt đối với những người ở khu vực nông thôn.
Ông Lee phân tích thêm hiện 90% dân số đã thuộc diện bao phủ của hệ thống BHYT của Việt Nam và người tham gia chỉ phải trả tối đa 20% chi phí (theo quy định của BHYT). Những người dễ bị tổn thương, trẻ em dưới sáu tuổi được miễn đóng BHYT và cơ chế cùng chi trả.
Tuy nhiên, 90% dân số đồng nghĩa với việc còn khoảng 10 triệu người không thuộc diện bao phủ của BHYT. Để bảo vệ mọi công dân, cần cân nhắc tạm thời triển khai BHYT toàn dân dù người dân có đang tham gia BHYT hay không và miễn cơ chế cùng chi trả cho tất cả mọi người. Làm như vậy sẽ góp phần khuyến khích việc tiếp cận dịch vụ y tế và hỗ trợ công tác phát hiện sớm, giảm nguy cơ lây lan của virus và giảm các ca bệnh diễn biến nghiêm trọng do điều trị chậm trễ.