Chiều 30-10, Bộ tài chính-Cơ quan thường trực BCĐ 389 quốc gia tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp chống buôn lậu đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Dùng hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu
Ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng thường trực BCĐ 389, cho biết tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát qua biên giới vẫn gia tăng phức tạp. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ.
Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát Thái Lan diễn ra trên các địa bàn trọng điểm với phương thức hoạt động tinh vi. Chẳng hạn đối tượng dùng bộ hồ sơ mua đấu giá đường hợp pháp để hợp thức hóa hàng lậu đối phó với các lực lượng chức năng khi bị kiểm tra. Do đó, việc bắt giữ và xử lý hết sức khó khăn.
Theo ông Ba, một trong những thủ đoạn các nhóm buôn lậu phổ biến dùng là thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói. Sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ. Ông cho hay, theo chủ trương nâng cao quyền tự do kinh doanh, việc cấp phép kinh doanh liên quan đến các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường hiện nay rất dễ dàng, theo hướng đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục cấp phép.
Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu hiện đang dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Họ sẵn sàng đưa giá rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được, bên cạnh đó, còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước rồi đem sang nước ngoài đóng gói, đưa về.
Như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi, rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không.
“Theo quy định hiện hành, một khi hàng qua hết biên giới có hóa đơn là hợp pháp. Hầu như, các cơ quan chức năng hiện nay rơi vào hoàn cảnh biết mà không làm gì được” ông Ba nói.
Theo số liệu Hiệp hội Mía đường Việt Nam, hiện cả nước có 40 DN kinh doanh, sản xuất đường. Tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp.
Đáng chú ý, chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng bảy triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng ba bốn triệu khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều. Một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản... đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, hiện giá đường Việt Nam cao hơn Thái Lan là do ngành mía đường trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh dưới nhiều hình thức gian lận thương mại, trợ cấp, trợ giá, bảo hộ trá hình được tiến hành một cách tinh vi, có hệ thống trên quy mô lớn từ nhiều thập kỷ nay.
Đáng chú ý, theo lộ trình cam kết của Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean (ATIGA), từ ngày 1-1-2020, mặt hàng đường từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu, với thuế suất nhập khẩu chỉ 5%.
Trong bối cảnh ngành mía đường đang chịu nhiều sức ép từ buôn lậu đường ngày càng tăng, khó kiểm soát thì việc gia nhập, thực thi Hiệp định ATIGA càng tạo ra những áp lực rất lớn đối với ngành mía đường. Hơn hai năm qua, gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.
DN phân phối tiếp tay buôn lậu đường cát
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan, Uỷ viên ban BCĐ 389 quốc gia, đánh giá thời gian qua các lực lượng chức năng, địa phương chủ động trong đấu tranh ngăn chặn từ biên giới, cửa khẩu cho đến nội địa. Nhiều chuyên án đấu tranh bắt giữ thành công nhưng chưa tương xứng với thực tế lượng đường cát thẩm lậu bằng nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau vào nội địa tiêu thụ.
Dù các lực lượng chức năng cũng đã triệt phá ngăn chặn bắt giữ cả người cầm đầu, chủ mưu nhưng vẫn không hạn chế được hoạt động buôn lậu. Thậm chí có người cầm đầu một khu vực sau khi bắt xử lý lại núp bóng tiếp tục điều hành
"Có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng"- ông Cẩn đặt vấn đề.
Theo ông Cẩn, Phó thủ tướng, trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, đã có chỉ đạo tới đây sẽ làm nghiêm sẽ có các chuyên án truy ngược đường đi của hàng lậu để xác định trách nhiệm của từng lực lượng trong việc kiểm soát hàng lậu. Ban 389 sẽ chủ động thực thi chỉ đạo và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Mặt khác, tại một số địa phương, mỗi ngày có không dưới 300 tấn đường lậu vận chuyển qua biên giới, trong đó có một khối lượng không nhỏ được đóng sẵn bao bì của các nhà máy đường trong nước.
Qua đó, cho thấy nhiều DN phân phối vì lợi ích cục bộ chưa hợp tác trong công tác chống buôn lậu thậm chí còn tiếp tay. Do đó, để chống buôn lậu đường có hiệu quả cần sự đồng hành của các nhà máy, các DN và Hiệp hội Mía đường.
Ban chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật còn sở hở, bất cập. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng phân tích một cách đầy đủ tác động của việc thực hiện Hiệp định ATIGA, đến lợi ích của quốc gia, người nông dân trồng mía…nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam so với các nước trên thế giới.
Trên cơ sở đó, xác định một lộ trình thực hiện cam kết ATIGA phù hợp, đảm bảo hài hoà lợi íchcủa quốc gia, các bên liên quan...
Được biết, từ năm 2018 đến hết 9 năm 2019, lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm. Thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá trên 12,5 tỷ đồng. Xử phạt vi phạm hành chính hơn một tỷ đồng.