Tại buổi tọa đàm về “Ăn uống tốt cho sức khỏe” do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức mới đây, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết tháng 11-2019 Việt Nam nhận được tin vui của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) cá da trơn của Việt Nam là tương đương với tiêu chuẩn của họ.
Cá tra vẫn khó “bơi” về quê nhà
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Việt đã xuất khẩu cá tra sang vài chục quốc gia với doanh thu cả ngàn tỉ đồng mỗi năm nhưng bất lực khi đưa cá tra về thị trường nội địa.
Ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty Cỏ May, cho biết cá tra đóng góp vào sự phát triển kinh tế của miền Tây rất nhiều. Hiện nay kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam vượt 2 tỉ USD/năm, chưa kể tiểu ngạch và nội địa. Cá tra từ số 0 nay đã “bơi” ra 150 quốc gia.
Nhờ có kênh xuất khẩu, cá tra được gột rửa một cách triệt để, để đến giờ cá tra sạch hơn cả cá thiên nhiên. Lý do là trong ao cá tra, người nuôi kiểm soát từng chỉ tiêu nước, áp dụng tất cả tiêu chuẩn mà phương Tây đưa ra để họ nhập khẩu. Mặt khác, khi ra nước ngoài, cá tra nằm ở các kệ siêu thị, bàn ăn với giá không phải là rẻ.
“Nhưng tréo ngoe ở chỗ mình xuất khẩu cá tra ra nước ngoài rất được đón nhận. Tuy nhiên, lời đồn về lai lịch là rào cản khiến cá tra "du lịch" lâu quá mà không bơi về được thị trường nội địa. Cá tra không hề có thị trường nội địa, toàn bộ là đem đi xuất khẩu nên bấp bênh” - ông Thiện ví von.
Đầu bếp Võ Quốc nói thẳng cho rằng có hai vấn đề ngăn cản cá tra đến với người tiêu dùng Việt. Thứ nhất, cần bỏ quan niệm nấu món này bắt buộc dùng nguyên liệu đó. Chẳng hạn, đầu bếp cứ mặc định chả cá Lã Vọng phải dùng cá lăn nhưng thực tế làm từ cá tra rất ngon.
Thứ hai là cần bớt “nói chơi” như có chuột trong nước mắm, vì chính người Việt hại mình và người nước ngoài nghe vậy sợ lắm.
Dẫn chứng điều này, ông Quốc kể năm 2013 được mời nấu tiệc nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt - Pháp. Đây là lần thứ tư họ mời và khi tôi đề xuất chế biến các món ăn từ mắm ba miền, họ nghi ngại liền.
“Thật sự tôi biết bạn không sợ mắm hôi mà sợ mắm không sạch, vì phô mai thối của bạn còn hơn mắm của Việt Nam. Nên chắc chắn mắm của Việt Nam sạch, nếu không sẽ không thể ra mắm được… Cuối cùng tôi thuyết phục được họ và đã chế biến bảy món ăn từ mắm” - ông Quốc kể.
"Người Việt bớt "nói chơi" vì tự hại chính mình" - đầu bếp Võ Quốc.
Không biết cá tra bán ở đâu, chế biến kiểu gì
Ông Chiêm Thành Long, Giám đốc Làng du lịch Bình Quới, cho biết từng đưa cá tra vào buffet, dù có đặt tên là cá ba sa, cá da trơn, khách vẫn e ngại. Khi thực khách quen được một thời gian thì nguồn cung cá tra bị đứt hàng.
Theo ông Long, trước đây Công ty Cỏ May có hỗ trợ lấy cá tra từ Sa Đéc lên chứ TP.HCM không có. Thời điểm này, để nhiều người cùng biết, cùng tiêu thụ cá tra, quan trọng là phải có kênh phân phối.
Còn theo chuyên gia ẩm thực Bùi Thị Sương, người tiêu dùng Việt trên thế giới đều hiểu giá trị dinh dưỡng cá tra Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe…Trong khi đó, người tiêu dùng Việt trong nước vừa "sợ hãi" do ấn tượng bởi cách nuôi cá tra theo kiểu cũ, lại vừa không biết cách chế biến.
Bà Sương kể: Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Cần Thơ 2019, khi cho 20 đội thi cá tra kho trong nồi đất, lúc chấm 20 nồi cá tra kho thì có đến mười mấy kiểu kho khác nhau, thậm chí có đội dùng gừng để kho. Như vậy làm cho cá có mùi thối nhẹ… Thực tế đó cho thấy,ngay cả với người nội trợ, chuyện kho cá tra cũng không dễ dàng.
“Để cá tra trở về nội địa song song việc quảng bá giá trị dinh dưỡng, nên có chương trình hướng dẫn chế biến. Ví dụ cá tra sẽ được chế biến thành những món gì; gia vị nào phù hợp, liều lượng sao, cách kho như thế nào để có món ăn đặc sắc nhất…” - bà Sương chia sẻ.
Theo bà Hạnh, với rào cản về tâm lý của người Việt về cá tra, BSA đang bàn với Công ty Cỏ May sẽ đưa người tiêu dùng Việt đến thăm chỗ người nuôi để tin tưởng, hiểu con cá tra nuôi quy trình nghiêm ngặt thế nào... Như vậy mới có thể xóa nhòa định kiến đó.