Đầu tư vàng ngày càng rủi ro lớn, lãi suất tiết kiệm thấp, bất động sản cần nguồn vốn khủng… là những lý do khiến nhà đầu tư cá nhân đang đổ dòng tiền mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán để tìm kiếm khoản lợi hấp dẫn.
Vàng không còn hấp dẫn khiến nhà đầu tư cá nhân ồ ạt đăng ký mở tài khoản chứng khoán. Ảnh: PM - TL
Tiền chảy mạnh vào chứng khoán
Ngay đầu năm 2021, anh Nguyễn Quang ở quận 3, TP.HCM quyết định rút hơn 100 triệu đồng đang gửi tiết kiệm tại ngân hàng để đầu tư vào chứng khoán. “Lãi suất tiết kiệm xuống đáy, có khi gửi cả năm không bằng kinh doanh trên sàn chứng khoán trong vài ngày” - anh Quang giải thích về quyết định của mình.
Điều này khá hợp lý vì mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm đang thấp, chỉ dao động quanh mức 3,5%-4%/năm với kỳ ngắn hạn và 6%-7%/năm cho trung và dài hạn. Mặt bằng lãi suất tiền gửi thấp nên nhiều người tìm đến các kênh đầu tư khác, đặc biệt là chứng khoán nhằm tăng tỉ suất sinh lời. “Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất trong một năm hiện chỉ 7%, trong khi lãi trên sàn chứng khoán tối đa trong một ngày đã là 7%” - anh Quang so sánh.
Anh Nguyễn Quang hiện là một trong hàng trăm ngàn nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường chứng khoán thời gian gần đây. Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán nhà nước, trong năm 2020, số tài khoản mới mở tăng kỷ lục.
Cụ thể, số tài khoản mở mới của nhà đầu tư cá nhân năm 2020 đạt gần 400.000 tài khoản, tăng 109% so với năm trước đó. Đáng chú ý, nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò chủ đạo dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán năm ngoái và gần ba tháng đầu năm nay.
Vàng không còn hấp dẫn khiến nhà đầu tư cá nhân ồ ạt đăng ký mở tài khoản chứng khoán. Ảnh: PM - TL
Làn gió mát cho thị trường
Ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital, nhận định các nhà đầu tư cá nhân thực sự là làn gió mát cho thị trường khi khối lượng giao dịch của nhà đầu tư cá nhân chiếm 85% thị trường chứng khoán hiện nay. Trong các tháng đầu năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân hằng ngày của nhà đầu tư cá nhân đạt đến gần 800 triệu USD.
“Ở Việt Nam, thông thường mọi người vốn ưa thích vàng và bất động sản. Do đó, việc nhà đầu tư cá nhân ồ ạt vào thị trường chứng khoán đầu tư đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ về tính hấp dẫn của nó” - ông Michael Kokalari bình luận.
Trong cùng một góc nhìn, TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá có lý do để giải thích việc nhà đầu tư cá nhân đổ dòng tiền ồ ạt vào thị trường chứng khoán. Thứ nhất, gửi tiền vào ngân hàng không còn là một lựa chọn khả thi do lãi suất thấp. Nói cách khác, lợi nhuận từ tiền gửi ngân hàng hầu như không bù đắp được tỉ lệ lạm phát, do đó nó thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển tiền vào sàn chứng khoán.
Thứ hai, thị trường bất động sản vốn là nơi đầu tư ưa thích và phổ biến tại Việt Nam nhưng muốn tham gia thị trường này đòi hỏi nguồn vốn lớn hàng tỉ đồng. Ngược lại, với thị trường chứng khoán, nhà đầu tư không cần vốn quá lớn để đầu tư. Chưa kể giao dịch chứng khoán mua bán nhanh hơn, còn bất động sản trong thời điểm hiện nay khá thấp.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cũng nhìn nhận thị trường vàng đang ngày càng kém hấp dẫn vì các yếu tố bất định, không còn như năm 2020. Chưa kể thị trường vàng rất khó thắng nếu chơi lướt sóng vì đòi hỏi nhà đầu tư phải nắm rất nhiều kiến thức và theo dõi rộng các lĩnh vực không chỉ kinh tế mà còn chính trị toàn cầu.
Đặc biệt, thị trường vàng trong nước luôn có khoảng cách khá lớn với vàng thế giới (có thời điểm giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 9 triệu đồng một lượng) khiến bất kỳ giao dịch nào cũng đẩy rủi ro về phía nhà đầu tư. Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu lẫn trong nước cùng đà tăng trưởng mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu tăng giá khủng. Đây là lý do khiến nhà đầu tư chọn chứng khoán thay vì vàng.
Để giữ chân nhà đầu tư
Chính nhờ dòng tiền dồi dào của các nhà đầu tư cá nhân đã giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh, lấy lại những gì đã mất trong giai đoạn thất bát thời dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là bệ đỡ giúp thị trường này đứng vững trước những đợt sóng bán tháo của nhà đầu tư nước ngoài.
Các nhà đầu tư cá nhân hiện nay khá đa dạng gồm sinh viên, giới văn phòng, bà nội trợ, tiểu thương… Không cần quá nhiều tiền, chỉ cần khoảng vài chục triệu đồng là đủ mở tài khoản chứng khoán và giao dịch kiếm lợi. Tuy vậy, để giữ dòng tiền nhà đầu tư cá nhân không rời bỏ thị trường thì sàn chứng khoán phải phát triển ổn định, hấp dẫn và có lợi nhuận để không bị các thị trường khác lấn át.
TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT Việt Nam, cho rằng để giữ chân các nhà đầu tư cá nhân ổn định và lâu dài thì thị trường chứng khoán cần cải thiện nền tảng giao dịch, tránh tình trạng nghẽn mạng hay quá tải như thời gian gần đây.
“Nền tảng hiện tại không thể xử lý khối lượng giao dịch trên thị trường dẫn đến quá tải. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả thị trường mà còn gây mất niềm tin của nhà đầu tư. Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài sẽ khiến dòng vốn chảy ra khỏi thị trường chứng khoán” - TS Huy cảnh báo.
Đầu tư kiểu đánh quả sẽ khó thắng TS Phạm Nguyễn Anh Huy, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá thị trường chứng khoán thường biến động mạnh, tiềm ẩn rủi ro không ít. Nếu nhà đầu tư không thường xuyên theo dõi sát thị trường thì nên cân nhắc đầu tư vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Các nhà đầu tư cũng nên sẵn sàng nắm giữ những cổ phiếu đó trong thời gian 5-10 năm vì việc nắm giữ dài hạn có xu hướng loại bỏ sự biến động trong ngắn hạn. “Các nhà đầu tư cá nhân khi tham gia vào sàn chứng khoán cần có lượng kiến thức nhất định. Thị trường chứng khoán không phải là nơi để kiếm tiền nhanh chóng vì không dễ dự đoán. Nếu các nhà đầu tư đến với thị trường chứng khoán bằng một tâm thế kỳ vọng kiếm tiền nhanh chóng kiểu “đánh quả” sẽ bị thua lỗ” - vị chuyên gia này khuyến nghị. Lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng nhận định năm nay thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển bền vững dựa trên nhiều yếu tố nền tảng về kinh tế. Đặc biệt, lãi suất tiếp tục được giữ ở mức thấp sẽ là yếu tố tác động rất tốt đến thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, một số chuyên gia bày tỏ lo ngại do nhiều yếu tố nên lạm phát có thể gia tăng và đẩy lãi suất tăng trở lại. Một khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng mạnh, nhà đầu tư có khả năng chọn bảo toàn tiền bằng cách gửi tiết kiệm ngân hàng thay vì đầu tư chứng khoán. Do vậy, chứng khoán vẫn ẩn chứa rủi ro. |