Giá tour vào đường đua: Muốn giữ khách phải cắn răng chịu lỗ

Ngay từ khi các hãng hàng không có quyết định được tăng giá vé thì nhiều công ty du lịch phải đối mặt với chuyện tăng giá tour. Đúng một tháng sau, liên bộ Tài chính- Công thương lại tiếp tục cho phép tăng giá xăng thêm 1.500 đồng/lít. Từ đây, giá tour lại tăng phi mã.

Bất đắc dĩ phải tăng

Trong đợt nâng trần giá vé máy bay của các hãng hàng không từ 1,5 triệu đồng lên 1,7 triệu đồng, các công ty lữ hành trong nước phải bị động giải quyết những hợp đồng giá đã ký với các đối tác. Khi đó, giải pháp giá tour bắt buộc phải tăng theo là điều tất yếu mà các công ty lữ hành có thể nghĩ đến.

Ông Nguyễn Văn Mỹ - Giám đốc Công ty lữ hành Lửa Việt cho biết kể từ sau Tết, giá tour của Công ty Lửa Việt đã phải tăng thêm từ 15% đến 20%. Đến nay, giá xăng, dầu lại tăng thêm thì chắc chắn giá tour dự kiến có thể lại phải tăng thêm khoảng 15% so với giá vé hiện nay.

Sở dĩ các công ty lữ hành phải tính đến chuyện tăng giá tour là do giá xăng tăng, kéo theo thực phẩm tăng, giá phòng khách sạn tăng. Đó là chưa kể nếu giá điện tăng thì ngành du lịch lại thêm một áp lực. Và tất nhiên, các công ty lữ hành không còn biện pháp nào ngoài chuyện tăng giá tour để đảm bảo kinh doanh.

Hiện nay, lượng khách lữ hành sau những cơn bão giá vẫn chưa có biểu hiện giảm. Tuy nhiên, ngay cả đối với khách hàng họ cũng phải bấm bụng để đi chơi vì du lịch là nhu cầu không thể bỏ.

Theo ông Mỹ, với ngành du lịch thì chỉ cần ở đâu giá rẻ hơn từ ba đến năm USD/tour thì khách hàng sẽ lựa chọn chỗ đó. Trong khi giá tour của chúng ta nếu cứ liên tục tăng như vậy thì lượng khách nước ngoài sẽ tìm đến những điểm khác là một điều không thể tránh.

Một số công ty lữ hành khác mặc dù chưa có quyết định tăng giá cụ thể nhưng các công ty này cũng khẳng định trước sau là phải tăng giá.

Ông Võ Anh Tài - Giám đốc Dịch vụ lữ hành của Saigon Tourist khẳng định sau khi hàng không tăng giá vé và nay đến lượt xăng, dầu thì chắc chắn là các công ty lữ hành sẽ bị ảnh hưởng. Hiện nay, các đơn vị vận chuyển đã bắt đầu đặt vấn đề tăng giá. Tuy nhiên, phía lữ hành Saigon Tourist đang trao đổi với bên đối tác để làm sao cho mức tăng hợp lý nhất.

Nhưng cũng theo ông Tài thì đối với một số tour đi nước ngoài, do tỷ giá ngoại tệ thay đổi nên bản thân giá tour đã tăng rồi chứ chưa tính đến tác động sau khi giá xăng tăng. Sắp tới, nếu giá điện tăng thì các doanh nghiệp lữ hành sẽ lại phải gồng mình chịu thêm một ảnh hưởng gián tiếp. Và như vậy xu hướng tăng sẽ là tất yếu vì sản phẩm tour cũng như các sản phẩm dịch vụ khác bị chi phối bởi giá cả đầu vào.

Ông Tài cũng nhận định rõ ràng không phải riêng ngành lữ hành mà tất cả các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng.

Lỗ cũng phải ráng

Trong tình hình giá cả nhảy múa như hiện nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải chấp nhận lỗ vì đã trót ký hợp đồng giá với khách hàng trước đó. Ông Đặng Trung Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Fiditour cho biết ngay từ trước Tết nguyên đán đã có dự báo giá xăng sẽ tăng, vì vậy Fiditour đã có sự chuẩn bị điều chỉnh giá tour. Nhưng do nguồn thông tin chưa chính thức về thời điểm tăng và tăng bao nhiêu nên đối với khách đi tour trong tháng 3 mà đã ký hợp đồng với Fiditour từ trước đó (tháng 1, 2) vẫn được Fiditour tính theo giá cũ. Tất nhiên, lợi nhuận của doanh nghiệp trong các tour này chắc chắn sẽ bị giảm nhưng vẫn phải chấp nhận để giữ uy tín với khách hàng, ông Nghĩa khẳng định.

Đối với các khách lẻ và những đoàn ký hợp đồng đi tour từ tháng 3 thì giá tour đã có điều chỉnh để cân bằng chi phí tổ chức. Tuy nhiên, để giữ uy thế cạnh tranh, Fiditour cố gắng giữ mức giá tăng dưới 10% so với giá tour hiện tại.

Đại diện Công ty Lửa Việt cũng khẳng định việc phải chấp nhận cắt giảm nhiều chi phí để đưa ra một mức tăng hợp lý. Nhưng hầu hết các công ty lữ hành xét về tình hình kinh doanh đều gặp khó khăn. Vì vậy, mặc dù doanh thu có tăng nhưng lợi nhuận thì không tăng.

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM:

Giá tăng làm ngành du lịch chựng lại

Ngành du lịch đang phải chịu áp lực lớn về hướng phát triển lâu dài. Trong hai tháng đầu năm, lượng khách đến Việt Nam vẫn tăng 17,5%. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng thị trường ở một số nước như Nhật đang có dấu hiệu không tích cực từ việc giá tour tăng.

Trước đây, yếu tố giá tour rẻ là một trong những điều làm nên sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam. Đến nay, không những giá tour tăng mà phòng khách sạn thiếu, phân bố khách sạn không đều. Đây là một trong những lý do làm cho ngành du lịch đang bị chựng lại.

Việc tăng giá tour cũng do nhiều yếu tố khách quan nên không thể ép các doanh nghiệp xuống giá được. Điều quan trọng hiện nay là phải phát huy vai trò của các hiệp hội lữ hành với nhau hơn nữa. Ngoài ra, chúng ta phải kêu gọi đầu tư đặc biệt cho khách sạn để góp phần giảm giá thuê phòng. Đây sẽ là những giải pháp trước mắt để ngành du lịch Việt Nam không bị trì trệ.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm