Ngày 31-7, Bộ Công Thương, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội EuroCham, cho biết từ 1-8 EVFTA có hiệu lực, 99% các dòng thuế sẽ được cắt giảm trong một thập kỷ tới.
Đây là cơ hội cho doanh nghiệp (DN) châu Âu tiếp cận vào thị trường tiêu dùng mới của Việt Nam. Hàng hóa của Châu Âu từ ô tô đến rượu vang… có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường Việt Nam cùng với các đối tác khác.
Phần mình, các DN Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các ưu đãi từ thị trường tiêu dùng lớn và thu nhập cao của châu Âu. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến một dòng chảy gia tăng hàng hóa của Việt Nam như cà phê, hải sản, máy móc, linh kiện, giày dép… đến 27 quốc gia thành viên EU.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì cuộc họp trực tuyến
Theo ông Jean-Jacques Bouflet, nếu việc triển khai EVFTA suôn sẻ, Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận tốt hơn hàng hóa dịch vụ châu Âu mà sẽ hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu, chuyển giao kiến thức, ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế...
"EuroCham đảm bảo đóng góp EVFTA thành công và cam kết hỗ trợ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới" - ông Jean-Jacques Bouflet nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Antonio Alessandro, Đại sứ Cộng hòa Ý tại Việt Nam, cho biết Việt Nam là một nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu, môi trường kinh tế thế giới suy thoái sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. EVFTA đến vào một thời điểm rất quan trọng khi suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn thế giới và xu hướng bảo hộ trên thế giới gia tăng. Do đó, hiệp định này là cơ hội cho Việt Nam, EU trong đó Ý.
EVFTA không chỉ là câu chuyện cắt giảm các dòng thuế xuất nhập khẩu mà còn là cơ hội chuyển giao kiến thức. Ý là một trong những quốc gia thành công nhất trong việc cung cấp các công nghệ ứng dụng tại Việt Nam, đặc biệt là trong ngành dệt và chế biến thực phẩm.
Hiện nay Ý cung cấp 12% máy móc cho Việt Nam và 10% các sản phẩm gồm bao bì đóng gói trong ngành chế biến thực phẩm. Khi EVFTA hiệu lực, thị phần các sản phẩm này sẽ gia tăng.
Theo ông Antonio Alessandro, từ trước đến nay DN Ý nhìn nhận Việt Nam là nơi đầu tư để tìm kiếm tận dụng dòng thuế thấp cũng như lao động giá rẻ song Việt Nam còn có nhiều thế mạnh hơn nữa.
Việt Nam có nền kinh tế phát triển nhanh ở khu vực Đông Nam Á và tầng lớp trung lưu cũng như chi tiêu ngày càng gia tăng. Tương lai Việt Nam có cơ hội chứng minh cho EU, các DN châu Âu thấy rằng mình có nhiều cơ hội ngoài sản xuất giá rẻ.
"EVFTA đến vào thời khắc không thể phù hợp hơn khi chuỗi cung ứng trên toàn thế giới ngắn lại và các DN đang đi theo hướng phi tập trung hóa sản xuất, phi tập trung chuỗi cung ứng. Do đó, Việt Nam sẽ có vị thế thu hút nhiều hơn, tạo sự hấp dẫn nhiều hơn đối với các nhà đầu tư" - ông Antonio nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (cài hoa) thăm gian hàng của doanh nghiệp Đức tại triển lãm Vietnam Foodexpo 2019 (Ảnh BCT)
Bên cạnh đó, cả Ý, EU, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường kết nối, tích hợp sản xuất. Chẳng hạn, các nhà sản xuất máy móc thiết bị của Ý tăng cường xuất khẩu vào Việt Nam và Việt Nam sử dụng máy móc này để tăng chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, sau đó gia tăng xuất khẩu ngược trở lại vào EU.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết EVFTA thực thi trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Bộ cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ nỗ lực đồng hành với DN khai thác tối đa lợi thế từ hiệp định, tích cực triển khai chương trình hành động thực thi EVFTA. Từ đó, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường.
Ngày mai (1-8), Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Theo đó, các bên cam kết xóa bỏ thuế quan gần như 100% các dòng thuế theo lộ trình từ 7-10 năm; một số ít các dòng thuế còn lại cũng được hưởng hạn ngạch với thuế suất 0%; mở cửa các thị trường dịch vụ như tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, logistics... |