Ông Lê Hữu Nghĩa, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết hiện doanh nghiệp không thể kinh doanh được, nên không có nhu cầu vay. Việc vay mới này chẳng khác nào là đảo nợ, dùng tiền không đúng mục đích.
Theo Bảo Việt, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng đã dần hạ nhiệt và duy trì ở mức thấp trong hai tháng đầu năm 2020. Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn hiện dao động quanh mức 2%/năm.
Trong tháng 2, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng đều có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, lãi suất trung bình của nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) gốc quốc doanh giảm 0,1%, về mức 6,63%/năm; nhóm NHTM có quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng giảm 0,06%, về mức 7,23%/năm; nhóm NHTM có quy mô vốn dưới 5.000 tỉ đồng giảm 0,03%, về mức 7,58%/năm.
"Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có chỉ đạo các NHTM khoanh, giãn nợ và miễn, giảm lãi cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất được dự báo có thể giảm nhẹ trong thời gian tới" - Bảo Việt đánh giá.
Ông Nghĩa cũng cho rằng cần khoanh nợ, giảm lãi suất các khoản đang vay để hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chứ không phải là tung gói kích cầu mới và lãi suất ưu đãi với khoản vay mới.
"Hiện có nhiều đề xuất miễn giảm thuế cho doanh nghiệp, nhưng cần nói rõ là miễn giảm thuế năm nào? Nếu đề xuất miễn giảm thuế cho năm 2020 thì không có ý nghĩa, bởi năm nay chắc nhiều doanh nghiệp lỗ. Do đó cần miễn giảm thuế năm 2019 cho doanh nghiệp, vì thuế năm 2019 tới cuối tháng 3 mới quyết toán.
Ngoài ra, Nhà nước nên miễn một quý đóng tiền bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn để chi trả lương cho nhân viên. Nếu không, doanh nghiệp sa thải người lao động thì tiền bảo hiểm Nhà nước cũng không thu được, mà ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội khi số lượng người thất nghiệp gia tăng" - ông Nghĩa đề xuất.