Cụ thể trong một năm, tại bảy thị trường Tây Ban Nha, Anh, Việt Nam, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Đức có 107,968 sản phẩm mới ra đời, thì chỉ 1,7% sản phẩm mới thuộc hàng top tiếp cận được 1% người tiêu dùng (NTD), tương đương 500 ngàn hộ gia đình/năm.
Theo Worlpanel Division trên thực tế, việc tiếp cận được một lượng đáng kể NTD chưa đủ để kết luận sản phẩm mới đó thành công hay không. Trong số 1,7% sản phẩm mới thuộc hàng top tại bảy thị trường trên, hơn một nửa là chưa tạo ra giá trị cho ngành hàng.
Tại Việt Nam, trong tất cả các sản phẩm thuộc hàng top chỉ có 55% trong số đó là có ảnh hưởng tích cực đến ngành hàng; 45% còn lại có ảnh hưởng tiêu cực đến ngành hàng.
Ví dụ thương hiệu sữa A khi tung ra sữa đậu nành óc chó, sản phẩm này không chỉ giúp thương hiệu tăng trưởng mà cho cả ngành hàng sữa đậu nành tăng, thu hút được những NTD mà trước đó họ không mua sữa đậu nành. Đây là ảnh hưởng tích cực đến cả ngành hàng.
Tại Việt Nam, tính riêng năm 2018, mỗi ngày có khoảng 20 sản phẩm mới ra đời với các hình thức: thương hiệu mới, chủng loại mới, mẫu mã, bao bì mới…
DN giới thiệu sản phẩm mới tại hội chợ Tôn Vinh hàng Việt năm 2019.
Báo cáo cho biết, các thương hiệu đầu tư rất nhiều vào việc phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Quá trình cải tiến của DN hiện nay chú trọng vào việc tạo ra các sản phẩm có tính năng mới, lợi ích mới cho NTD; đầu tư nhiều hơn trong đa dạng các chủng loại sản phẩm thay vì chỉ đơn giản là thay đổi về bao bì hay mẫu mã.
Tuy nhiên, mỗi ngành hàng có mức độ cải tiến khác nhau. Ngành hàng chăm sóc cá nhân cho thấy mức độ cải tiến khá cao khi thương hiệu mới và các chủng loại mới chiếm 3/4 trong tổng số sản phẩm mới của ngành hàng này. Trong khi đó, ngành hàng chăm sóc gia đình lại có mức độ phát triển sản phẩm thấp hơn khoảng 58%.
Theo Worlpanel Division, NTD ngày nay đa nghi hơn và ít bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài. Theo khảo sát của đơn vị này, lượng người có xu hướng dùng thử sản phẩm mới ngày càng giảm.
Trên thực tế, so với trước đây sản phẩm mới gặp khó khăn trong việc thu hút người mua cũng như duy trì sự tăng trung thành của họ. Chẳng hạn, trong năm ngành hàng chính (chăm sóc cá nhân; sữa và các sản phẩm từ sữa; thực phẩm đóng gói; thức uống; sản phẩm chăm sóc gia đình) sản phẩm mới trong ngành chăm sóc cá nhân và sữa thường khó tiếp cận người mua nhất.
Chuyên gia Worldpanel Division cho rằng điều cần thiết là các sản phẩm mới này phải nhắm đến việc đem lại nhiều người mua hơn. Tạo ra sản phẩm lấy NTD làm trọng tâm; mang lại cái mới, trải nghiệm mới.