Ngày 22-5, theo thông tin từ Bộ Công Thương, để linh hoạt ứng phó với chính sách của nước sở tại, đảm bảo chủ động tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ DN Việt trong xuất khẩu và kết nối đầu tư kinh doanh.
Trong bối cảnh dịch COVID-19, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đặc biệt đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, các thay đổi chính sách và cơ hội thị trường qua các kênh khác nhau… Nhờ đó, DN có thể nắm bắt các cơ hội giao thương bất kể tình trạng dịch bệnh, khó khăn về địa lý.
Thương vụ đã kết nối thành công sáu DN Việt Nam và DN Singapore tổ chức các hoạt động qua hình thức cooking shows và livestream với sự tham gia của Youtuber nổi tiếng người Singapore Jianhao TAN.
Hình thức này giúp người dân Singapore trong khi thực hiện giãn cách xã hội có thêm sự nhận diện về một số thương hiệu thực phẩm chế biến của Việt Nam; có thêm thông tin về ẩm thực Việt Nam…
Ngoài ra, các DN tham gia sự kiện còn ủng hộ các sản phẩm của Việt Nam như cà phê, nước mắm, gia vị, bánh tráng… để nhà hàng Việt Nam Red Sparrow chế biến suất ăn miễn phí, ủng hộ y bác sĩ trên tuyến đầu phòng dịch của Singapore.
Việc này đã được dư luận Singapore đánh giá cao, góp phần tạo hiệu ứng tốt cho các thương hiệu của Việt Nam tại địa bàn.
Hàng Việt được khách quan tâm tại Tuần lễ hàng Việt tại Singapore do Saigon Co.op tổ chức năm 2018. Ảnh: TÚ UYÊN
Bên cạnh đó, thương vụ cũng chia sẻ một vài lưu ý đối với DN khi xuất khẩu sang Singapore trong bối cảnh dịch COVID-19.
Cụ thể, Singapore với cơ cấu nền kinh tế chủ yếu hướng vào dịch vụ, quốc gia này không có nền nông nghiệp... Tiêu dùng ở Singapore chủ yếu phụ thuộc vào nhập khẩu từ đồ dùng gia đình đến rau củ quả, thủy sản.
Với 220 đối tác nhập khẩu trên thế giới, riêng trong lĩnh vực thực phẩm, rau củ quả, đảo quốc này có quan hệ nhập khẩu với 170 nước. Sự đa dạng đối tác nhằm đảm bảo an ninh lương thực; đảm bảo nguồn cung không có bất cứ sự đứt gãy nào.
Theo thương vụ Việt Nam, trong thời kỳ dịch bệnh, Singapore ngày càng thận trọng trong chính sách thương mại, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Hiện nay, Singapore đang khống chế tỉ lệ xuất khẩu vào một thị trường đơn lẻ không quá 15% tổng giá trị xuất khẩu của quốc gia này. Dự kiến tỉ lệ này sẽ được xem xét giảm đối với cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Như vậy, DN Việt Nam có cơ hội rất lớn để thâm nhập thị trường Singapore. Tuy nhiên, điều DN Việt Nam cần làm lúc này là nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế. Chẳng hạn, đối với thực phẩm chế biến, đồ uống… DN cần chú ý đến bao bì, chỉ dẫn bằng tiếng Anh, các chứng chỉ như HACCP, Halal…
Đặc biệt, DN nên lưu ý đến vấn đề thời hạn sử dụng. Khi đưa vào hệ thống bán lẻ, thời hạn của các sản phẩm chế biến tốt nhất trên 12 tháng để đảm bảo đủ vòng quay kinh doanh. Nếu sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn, chưa kịp tiếp cận khách hàng thì phải giảm giá thanh lý. Như vậy, sẽ làm các nhà nhập khẩu ngần ngại.
Thứ hai là khả năng cạnh tranh về giá và đảm bảo nguồn cung là một khó khăn cho DN Việt. DN cần giữ chữ tín trong đảm bảo nguồn cung với giá ổn định, tránh tình trạng lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá bán lên cao.
Các DN cũng phải lưu ý kết nối theo chuỗi với các nhà cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi… có sẵn thông tin và mạng lưới để xuất hàng nhanh chóng.