TS Cấn Văn Lực và Nhóm Nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV vừa đưa ra một số khuyến nghị chủ động ứng phó khi Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước theo dõi thao túng tiền tệ.
Theo đó, TS Lực và các cộng sự cho rằng mặc dù vẫn nằm trong danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ, việc cải thiện chỉ còn chạm 1/3 tiêu chí (so với 2/3 tiêu chí tại báo cáo trước đó) là tín hiệu tích cực.
Nhóm chuyên gia BIDV đánh giá việc vẫn nằm trong danh sách theo dõi do chỉ chạm một tiêu chí cho thấy vị thế thương mại của Việt Nam với Mỹ đã và đang tiếp tục được khẳng định. Năm 2019, tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 517 tỉ USD, đứng thứ 23 thế giới. Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ khoảng 47 tỉ USD, đứng thứ sáu trong danh sách các nước có thặng dư thương mại với Mỹ (chạm tiêu chí thặng dư thương mại lớn hơn 20 tỉ USD).
Với hai tiêu chí còn lại, Việt Nam không chạm và đã có những cải thiện đáng kể so với báo cáo hồi tháng 5-2019.
Theo nhóm chuyên gia của BIDV, thời gian vừa qua có thể thấy việc Việt Nam chủ động, chuẩn bị nội dung trao đổi thông tin, giải trình với phía Mỹ cùng với một số động thái cụ thể như tăng mua hàng hóa của Mỹ đã mang lại những kết quả tích cực.
Do đó, nhóm chuyên gia BIDV khuyến nghị cần chú trọng minh bạch hóa các dữ liệu liên quan tới dự trữ ngoại hối, các động thái can thiệp thị trường và cán cân thương mại.
Tăng cường có hành động cụ thể nhất là cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ, như nhập nhiều hơn hàng hóa, nhất là nông sản và thiết bị từ Mỹ.
Việt Nam cần quan tâm tiếp tục giải quyết các vấn đề mà phía Mỹ quan tâm như cán cân thương mại, cụ thể hóa quy định về quản lý an ninh mạng, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh một cách thực chất, nhất quán, minh bạch và đồng bộ.