Nên bỏ quy định test COVID-19 ở sân bay

Ngày 24-1, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới 20 điểm cầu tại các tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Tại đây, bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế chia sẻ: Đối với các vấn đề về mở cửa du lịch, về phía Bộ Y tế, không thể nói là mở ngay bây giờ hay về sau vì nhiệm vụ của chúng tôi là làm sao đảm bảo được các biện pháp an toàn, thích ứng với dịch bệnh.

“Chúng ta biết là từ năm ngoái đến nay, dịch bệnh diễn biến bùng phát nhanh, kéo dài. Từ năm ngoái đến nay liên tục xuất hiện biến chủng mới mà không biết bao giờ mới dừng lại nên phải có những phương án linh hoạt an toàn, đáp ứng yêu cầu”- bà Hằng nói.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Ảnh: Toquoc.vn

Ông Đinh Việt Sơn- Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải nêu quan điểm: Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế.

Ông Sơn cũng nêu thực tế, chúng ta đang yêu cầu trước khi lên hoặc sau khi xuống tàu bay phải xét nghiệm COVID-19. Ở quốc tế, không có một nhà ga nào thiết kế để thực hiện việc xét nghiệm cả. Việc này gây tắc nghẽn và đây chính là rào cản kỹ thuật.

Theo ông Sơn, nếu chúng ta vẫn giữ quy định này thì sẽ ảnh hưởng đến việc đón khách quốc tế. Chúng ta không nên tổ chức test ở sân bay nữa mà thực hiện test ở nơi lưu trú cho khách du lịch quốc tế.

Ông Trần Văn Dự- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cho biết, đã báo cáo Chính phủ mở cửa từ tháng 10 rồi. Miễn visa đơn phương. Luật Xuất nhập cảnh hiện chúng ta miễn 13 nước, miễn song phương chủ yếu các nước Asean; 78 nước được cấp thị thực điện tử.

Tuy nhiên ông Dự vẫn băn khoăn, nếu miễn thị thực đơn phương thì doanh nghiệp du lịch sẽ bị "tuột tay".

“Khách du lịch họ vào tự do, doanh nghiệp có kiểm soát được không? Họ vào du lịch nhưng đi cá nhân, rồi đi xe ôm… thì doanh nghiệp du lịch có được gì không? Ai là người kiểm soát khách này? Đề nghị cân nhắc điều này”- ông Dự nêu quan điểm.

Ông Lương Thanh Quảng - Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao thì tâm đắc với câu hỏi của đại diện Bộ Y tế: Chúng ta tiêm vaccine để làm gì?. Ông Quảng cho biết, câu hỏi này Thủ tướng đã trả lời rồi, chúng ta tiêm là để mở cửa các lĩnh vực kinh tế.

“Về phần Bộ Ngoại giao, chúng tôi đã đề xuất một số chính sách trong việc tạo điều kiện cho bà con gốc Việt về nước. Câu chuyện còn lại là khách du lịch. Bộ được giao đàm phán hộ chiếu vaccine. Hiện, có 10 nước đã công nhận hộ chiếu vaccine của chúng ta như Anh, Mỹ Nhật…và chúng ta tạm công nhận hộ chiếu vaccine của 72 nước. Việc này chúng ta cần tiếp tục đàm phán thêm”.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng cho biết, hiện tại, đơn vị này đã có phương án đón khách du lịch trở lại. Các đơn vị du lịch đều có thể khai báo điện tử ở nhà hoặc ở đâu cũng làm được chứ không phải đến tận nơi.

Tuy nhiên ông Phúc nêu vấn đề đặt ra là làm sao thu hút hành khách, các thị trường phù hợp để phát triển kinh tế. Ông Phúc đồng tình với các chuyên gia về việc việc mở cửa. Về phía Bộ, ông Phúc nêu trên với tinh thần làm sao sớm mở cửa, phát triển trở lại kinh tế.

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VT

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng đồng tình với nhau nhiều phương diện, đi đến khẳng định những cơ hội và chỉ rõ thách thức, rào cản để khắc phục, tuy nhiên ông Hùng cũng nêu ý kiến, chúng ta đặt an toàn của Nhân dân là trên hết, trước hết. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tiêm vaccine cho toàn dân.

Người đứng đầu Bộ VH-TT&DL cho biết, từ đây, chúng ta kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: Một là: Cho mở cửa lại thị trường du lịch quốc tế; Hai là: Thời điểm mở cửa sẽ công bố rộng rãi cho thế giới biết; từ nay đến thời điểm đó chúng ta tiếp tục chuẩn bị các điều kiện cần và đủ, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ. Ba là: Chúng ta có thông điệp rõ ràng, quyết tâm cao.

Ông Hùng cho biết, bộ trân trọng các ý kiến, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng và bày tỏ mong các cơ quan ban ngành cùng góp tiếng nói để Thủ tướng có quyết định trong phiên họp Chính phủ sắp tới, hướng tới sự phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam, ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm