Nhiều nông sản lo bị đổ bỏ, Tổ công tác ra tay

Nhiều giải pháp hỗ trợ kết nối cung cầu đã được Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 của Bộ NN&PTNT (gọi tắt là Tổ Công tác 970) nêu ra tại buổi họp báo sáng 26-7.
 Kết nối cung – cầu để tránh nông sản tồn ứ, rớt giá
 Tại buổi họp báo, Tổ công tác 970 cho biết hiện nguồn cung nông sản rất dồi dào, dù đã có kết nối với đầu mối tiêu thụ nhưng vẫn còn những khó khăn.
Thứ nhất là lưu thông hạn chế, dù đã có luồng xanh nhưng di chuyển hàng hoá qua các chốt kiểm tra ở các địa phương vẫn chậm. Thứ hai thiếu nhân lực, quy định 3 tại chỗ khiến nhiều cơ sở chế biến nông thuỷ sản bị động lúng túng. Thứ ba là thiếu thương lái thu mua do dịch.
Trước nỗi lo nông sản vào vụ thu hoạch như lúa, nhiều loại trái cây sẽ khó trong khâu vận chuyển như câu chuyện sữa bò, cao su phải đổ bỏ vì không tiêu thụ được, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục trồng trọt cho biết Tổ công tác đã liên hệ với Sở NN&PTNT tại địa phương để nắm nguồn hàng nông sản thu hoạch, đơn vị cung ứng sau đó sẽ kết nối với đơn vị tiêu thụ ở các tỉnh thành.
Về một số mặt hàng nông sản không được đưa vào danh mục hàng thiết yếu, ông Tùng cho biết sau khi có chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, một số tỉnh đã đưa vào danh sách thiết yếu vận chuyển luồng xanh bình thường.
“Cũng còn một số địa phương chưa đưa vào danh mục thiết yếu, nếu có khó khăn, các đơn vị cung ứng cần phản ánh ngay với tổ công tác để hỗ trợ”, ông Tùng nói.

Nhiều nông sản lo bị đổ bỏ, Tổ công tác ra tay ảnh 1
Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970 (áo xanh). Ảnh: QUANG HUY

Khó khăn về nhân công, Thứ trưởng Bộ NN&PTNN Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, cho biết Tổ công tác đề nghị các hợp tác xã, các doanh nghiệp vận động người lao động trở lại ngay khi đảm bảo an toàn.
Tổ trưởng Tổ 970 cũng đề ra giải pháp tăng ca, nếu số lượng nhân công còn ít, hoặc diện tích nhà xưởng, khu chế biến hạn chế.
“Nhiệm vụ chính của Tổ công tác là đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm. Hiện xây dựng được mạng lưới nguồn cung đa dạng với gần 400 cơ sở, hợp tác xã sản xuất, doanh nghiệp đã kết nối. Hiện 24 đầu mối đã khớp với nhau, đa số đồng tình với cách làm của Bộ NN&PTNT. Điển hình là một hợp tác xã rau ở Long An đã tiêu thụ được 200 tấn rau, ký hợp đồng 100 triệu ngay trong đêm” - Thứ trưởng Nam nói.
Sắp tới Tổ công tác sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ các loại trái cây đang vào vụ thu hoạch với nguồn cung lớn như nhãn.
 Mở điểm tập kết hàng thay chợ đầu mối
Tại 19 tỉnh đã có một số nhà máy, cơ sở chế biến và giết mổ đang tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu 3 tại chỗ hoặc không đủ công nhân do phong tỏa. Việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa, vật tư phục vụ sản xuất vẫn còn bị thắt chặt ở một số địa phương.
Có nơi thương lái rất khó khăn trong đi lại thu mua nông sản. Khâu vận chuyển, phân phối sản phẩm; vận chuyển cây giống, con giống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản vẫn còn gặp khó khăn do hoạt động kiểm soát tại các chốt kiểm dịch. Tổ Công tác 970 đã thường xuyên phối hợp với các địa phương giải quyết nhanh các vấn đề phát sinh.
Tổ cho biết UBND TP.HCM đã phối hợp với Tổ Công tác của Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương có chuyến khảo sát thực địa tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn. Qua đó xem xét, cân nhắc trong khi các chợ đầu mối chưa mở cửa trở lại có thể tính đến các phương án mở một số điểm tập kết nông sản, trạm trung chuyển nông sản tạm thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đặc biệt đáp ứng các yêu cầu phòng dịch COVID-19.

Nhiều nông sản lo bị đổ bỏ, Tổ công tác ra tay ảnh 2
Đề xuất lập điểm tập kết hàng hoá, tăng công suất nhà máy giết mổ để giải quyết đầu ra cho nguồn cung heo, gà đang ùn ứ, giá giảm. Ảnh: QUANG HUY

Tổ 970 cũng đã làm việc với các doanh nghiệp có công suất giết mổ lớn như CP, Vissan, San Hà… để có các phương án, chuẩn bị kế hoạch giết mổ lượng lớn gia súc, gia cầm nếu các cơ sở chế biến giết mổ ở các tỉnh lân cận gặp sự cố.
Sở Y tế các địa phương sớm hướng dẫn, hỗ trợ tạo điều kiện an toàn phòng dịch để các cơ sở chế biến giết mổ sớm hoạt động trở lại.
Bên cạnh đó, Tổ cũng cho biết đề xuất ưu tiên tiêm vaccine và tổ chức test nhanh tại các cơ sở chế biến, giết mổ, đầu mối thu gom nông sản, thủy sản, doanh nghiệp, thương lái thu mua sản phẩm cho bà con và công nhân đi làm ở các nhà máy, cơ sở chế biến, giết mổ, sơ chế, đóng gói, bốc xếp, tạo thuận lợi cho sản xuất và lưu thông hàng hóa.

Hàng xuất không được vì chờ... cán bộ kiểm định

Nhiều doanh nghiệp hạt điều, tiêu, cà phê… tại các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Long An… phản ánh gặp nhiều khó khăn vì hàng phải chờ cán bộ kiểm định chất lượng tới kiểm, cấp chứng nhận mới được xuất khẩu.

Đại diện một công ty chế biến hạt điều xuất khẩu cho biết các trung tâm kiểm định này chủ yếu đặt tại TP.HCM, nhưng do dịch các cán bộ kiểm định cũng chỉ làm việc trong TP chứ không di chuyển ra các địa phương khác được.

“Các địa phương yêu cầu xét nghiệm, rồi cách ly nên cán bộ kiểm định không xuống được, hàng ứ trong kho không xuất đi được, thiệt hại rất lớn” - đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Trước vướng mắc này, ông Lê Văn Thiệt, Cục phó Cục BVTV cho biết đối với các cơ quan kiểm định, kiểm dịch thuộc Cục BVTV đã chuyển từ kiểm trực tiếp sang kiểm trực tuyến giải quyết nhanh chóng, linh hoạt, xuất khẩu thoáng linh hoạt.

Đối với các cơ quan dịch vụ kiểm định được Cục BTVT chỉ định giám định dịch hại, theo ông Thiệt, tình trạng trên có thể do cán bộ ngại đi vì dịch.

“Khó khăn này Cục sẽ tổng hợp lập danh sách các doanh nghiệp đang gặp vướng báo cáo Tổ công tác để xem xét hỗ trợ” - ông Thiệt cho hay.

 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.