Công ty khởi nghiệp kiểu ‘con gián’ lách qua mùa dịch

Chưa bao giờ các công ty khởi nghiệp (startup) gặp nhiều khó khăn như hiện nay khi dịch bệnh tác động mạnh lên hiệu quả kinh doanh gây thua lỗ, thậm chí phá sản. Thực tế chỉ có các công ty có năng lực kiếm tiền, chịu khó chịu khổ mới có thể tồn tại trong giai đoạn hiện nay.

Cú rơi chạm đáy

Thành công trong việc gọi vốn hàng triệu USD, startup WeFit, một cái tên đình đám chuyên về mô hình chia sẻ phòng tập, đã buộc phải tuyên bố phá sản trong tháng 5 vừa qua. “Dù đã rất nỗ lực cải tổ nhưng dịch COVID-19 đã gây khó khăn cho tình hình kinh doanh và làm nguồn vốn hoạt động cạn kiệt” - WeFit thừa nhận.

Rời cuộc chơi, WeFit còn để lại khoản nợ không nhỏ cho các nhà cung cấp. Trên thực tế, trước đó WeFit đã “đốt tiền” để lôi kéo khách hàng nhằm gia tăng thị phần, mở rộng quy mô. Tuy nhiên, mô hình này có nhiều lỗ hổng như để nhiều khách dùng chung một tài khoản, đặt lịch ảo nhưng phải trả tiền thật cho phòng tập… khiến WeFit thay vì kiếm lợi đi đến cạn kiệt tiền và dịch bệnh là dấu chấm hết cho startup này.

Một cách tương tự, cũng vì dịch bệnh, chuỗi đậu nành hữu cơ Soya Garden, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực và đồ uống, liên tục đóng hàng loạt cửa hàng để tái cấu trúc tài chính, gia tăng tính hiệu quả để tồn tại.

Soya Garden từng đặt mục tiêu mở rộng cả trăm cửa hàng cho đến năm 2021 và đưa thương hiệu sang các thị trường nước ngoài. Sức hấp dẫn của Soya Garden đã thuyết phục được Shark Thủy, một cá mập trong chương trình Shark Tank, rót vốn 100 tỉ đồng. Nhưng giờ đây, kế hoạch đầy tham vọng này đang được xem xét lại một cách nghiêm túc để nhường cho chiến lược vượt qua và tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ NextTech, còn được biết dưới cái tên Shark Bình, cho biết nhiều startup bước vào năm 2020 rất tự tin với quỹ tiền mặt trong tài khoản ngân hàng có thể kinh doanh được 12-18 tháng trước khi công ty hết tiền và trong thời gian này đủ để gọi được dòng vốn tiếp theo. Thế nhưng dịch bệnh ập đến khiến cho mục tiêu bị rút ngắn đi một nửa, thậm chí 1/3 chặng đường.

Thực tế ngay cả trước khi dịch bệnh xảy ra, nhiều startup đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ bị âm tiền, lỗ. Khi dịch bệnh xảy ra, các startup xoay xở bằng cách cắt giảm chi phí mỗi thứ một ít như giảm lương, tiền thuê nhà, quảng cáo… để tồn tại. Song doanh thu lại giảm mạnh hơn, lên đến 50%, thậm chí các startup hoạt động trong ngành du lịch giảm nguồn thu đến 90% dẫn đến lỗ cực lớn.

“Với các startup khi đột nhiên dịch bệnh lao đến khiến dòng tiền biến mất, các công ty khởi nghiệp phải đóng cửa, phá sản hay ngủ đông. Có thể nói đây là cơn ác mộng của tất cả startup, đặc biệt trong bối cảnh nhà đầu tư không dám xuống thêm tiền” - ông Bình nói.

Tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới (ảnh lớn) và một số startup Việt nhận được vốn đầu tư khủng ngay trong thời điểm dịch bệnh. Ảnh: PM

Dịch bệnh không dập tắt được khởi nghiệp

Dù đối diện với những tình thế đầy bất ổn nhưng sự hào hứng khởi nghiệp chưa tắt trong các startup Việt Nam. Thậm chí, nhiều công ty khởi nghiệp vẫn nhận được các khoản đầu tư lớn để tăng tốc phát triển trong tương lai.

Một thống kê của công ty đầu tư mạo hiểm Do Ventures Việt Nam cho thấy năm ngoái được xem là thành công với giới khởi nghiệp khi đã đón nhận 123 thương vụ đầu tư với tổng giá trị gần 900 triệu USD. Đặc biệt, dù bối cảnh dịch bệnh nhưng nửa đầu năm nay, các startup cũng đã nhận được các khoản đầu tư 222 triệu USD.

Nhu cầu tuyển dụng hồi phục trở lại

Kể từ khi dịch bùng phát đã có hàng chục ngàn lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp do mất việc làm. Đại diện Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương cho biết thời gian qua, tổng cộng có khoảng 80.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là lượng lao động thất nghiệp đăng ký hưởng chế độ thất nghiệp cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Tuy nhiên, những ngày gần đây tình hình có dấu hiệu cải thiện. Một cán bộ phụ trách bộ phận tuyển dụng của Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Dương cho hay trong tháng 9 cung-cầu lao động tại tỉnh này khá ổn định, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông tăng trở lại. Trong đó, ngành gỗ nhanh chóng phục hồi sớm. Cùng đó nhu cầu tuyển dụng các ngành cơ khí, điện tử, kỹ thuật ứng dụng, kế toán, thư ký... phục hồi trở lại.

 PHONG ĐIỀN 

Chẳng hạn, ngay trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, Tiki đã gọi được vốn 100 triệu USD. Mới đây nhất, một loạt startup Việt trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, công nghệ như Công ty Edu Pro Max, ECO LIFE, Sen Vàng Vĩnh Phúc, Shark Uma… nhận được sự hỗ trợ tư vấn và đầu tư hàng trăm tỉ đồng từ Shark Liên.

Bà Lê Hạnh, Giám đốc điều hành TVHub, Giám đốc sản xuất của chương trình Shark Tank Việt Nam, cho biết hiện đơn vị này vẫn nhận được hàng trăm đơn của các startup tham gia chương trình. Điều này cho thấy sự hứng thú kinh doanh vẫn còn nguyên vẹn, chưa bị dập tắt bởi các khó khăn từ dịch bệnh.

“Thời điểm này các startup rất khó khăn nhưng vẫn còn bệ đỡ vững chắc, đó là thị trường 100 triệu dân. Các công ty khởi nghiệp muốn vươn ra toàn cầu nhưng trước hết hãy tập trung phát triển tốt thị trường trong nước, đem các cốt lõi kinh doanh tốt nhất phục vụ thì những điều tốt đẹp sẽ đến. Vì suy cho cùng, công ty khởi nghiệp chỉ có thể thành công khi có sứ mệnh rõ ràng và sống với những giá trị cốt lõi của sản phẩm sáng tạo nên” - bà Lê Hạnh nói.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ NextTech Nguyễn Hòa Bình cũng nhìn nhận năm nay là năm khó khăn cho việc gọi vốn. Hơn nữa, các startup chưa có lợi nhuận phải sử dụng tiền gọi vốn để xây dựng thị trường hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng. Do đó, các startup theo mô hình đốt tiền sẽ gặp nhiều khó khăn, trong khi các startup theo kiểu mô hình “con lạc đà”, “con gián” biểu trưng cho những công ty có năng lực chịu khó, chịu khổ cao, có năng lực kiếm tiền tốt và “cái gì cũng có thể ăn được” mới có thể tồn tại trong thời điểm hiện nay.

Đặc biệt, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, startup muốn gọi vốn nước ngoài sẽ rất khó khăn vì để nhà đầu tư xuống tiền cần có ít nhất vài cuộc gặp gỡ trực tiếp, chứ nếu làm việc qua online thì họ không thể tự tin xuống tiền. Do đó, thời điểm này các startup nên dựa vào các tập đoàn công nghệ, tập đoàn có quỹ tiền mặt tốt và nhà đầu tư nội địa.

Môi trường gọi vốn chưa thực sự thuận lợi

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết thông qua cuộc khảo sát 60 quốc gia về tinh thần khởi nghiệp của một tổ chức quốc tế cho thấy tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất trên thế giới, luôn nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu trong nhóm 60 nền kinh tế được khảo sát. Tuy tinh thần khởi nghiệp rất cao nhưng khả năng hiện thực hóa thì ý tưởng khởi nghiệp của startup Việt thuộc nhóm 20 nền kinh tế cuối cùng.

“Khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và kế hoạch hành động cụ thể, khả năng hiện thực hóa cần phải thu hẹp khoảng cách hơn nữa. Muốn làm được điều này cần có những nỗ lực về thể chế, chính sách để tạo hệ sinh thái đưa nhanh những ý tưởng kinh doanh vào hiện thực” - ông Lộc nói.

Thực tế, giới khởi nghiệp gặp nhiều rào cản và tồn tại khó khăn từ việc môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, thiếu hụt nhân lực có chất lượng cho đến thiếu hỗ trợ về cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu. Việc hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước hạn chế và ngay cả việc tiếp cận được chính sách hỗ trợ cũng đối diện với thủ tục phức tạp.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ NextTech, một trong những rào cản lớn nhất của các công ty khởi nghiệp chính là việc có vốn để đầu tư biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại hóa. Các công ty khởi nghiệp hầu hết phải tự bơi, tìm cách xoay xở bằng nguồn vốn tự có mà rất khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hay ngân sách.

Nguyên nhân do Việt Nam chưa tạo ra một môi trường thuận lợi gọi vốn cho giới khởi nghiệp. Việc thiếu khung pháp lý với các quy định phù hợp cho khu vực khởi nghiệp là rào cản lớn khiến các startup Việt Nam khó tiếp cận vốn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm