Đặt mục tiêu là người đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) trong cuộc chiến trên thương trường và có tham vọng tạo một thương hiệu trường tồn, TS Bùi Quang Tín, Giám đốc điều hành Trường Doanh nhân BizLight, chọn chiến lược đi chậm. “Tôi muốn xây dựng một nền tảng vững chắc nhằm tạo ra bệ phóng cho trường trong tương lai” - TS Bùi Quang Tín chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM.
Cam kết bằng chỉ số kinh doanh hiệu quả
. Phóng viên: Mở trường doanh nhân thời điểm này, ông có cho rằng mình đang đi chậm so với các đối thủ và cũng không còn là xu hướng thịnh hành?
+ TS Bùi Quang Tín: Theo đánh giá của tôi, mảng đào tạo dành cho DN đã phát triển rất tốt trong 10 năm qua. Tuy nhiên, 2-3 năm gần đây, lĩnh vực này đang có dấu hiệu đi xuống và có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tổ chức trong nước lẫn quốc tế. Nguyên nhân do không có những điểm mới khác biệt, na ná giống nhau và gần như thiếu động lực để tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, BizLight vẫn dấn thân vào vì nhìn thấy được xu thế động lực tăng trưởng phát triển của kinh tế, cũng như muốn hỗ trợ cho các DN đang gặp nhiều khó khăn và thiếu động lực tìm hướng phát triển mới. Mặt khác, chúng tôi tự tin thấy có thể cung cấp một điểm nhấn khác biệt so với các đối thủ.
. Ông vừa nói lĩnh vực này có mức độ cạnh tranh khốc liệt và đang chiều hướng đi xuống, vậy làm thế nào để tạo khác biệt?
+ Chúng tôi sẽ tập trung vào xây dựng các sản phẩm đào tạo được thiết kế riêng cho từng DN; có đội ngũ các giảng viên, chuyên gia có uy tín, thương hiệu và chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo để đứng lớp giảng dạy cho các DN.
Điểm khác biệt nữa là BizLight thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo về các chủ đề DN quan tâm, phần lớn miễn phí. Chúng tôi có nguồn thu từ nhà tài trợ, sản phẩm là các video clip quay lại của chương trình hội thảo đó. Tuy nhiên, thời gian tới sẽ giảm dần miễn phí và tiến đến bán vé offline lẫn online. Nghĩa là kể cả những người ở nước ngoài vẫn có thể học online được.
. Vậy liệu trường có dám cam kết đào tạo xong là DN đạt được mục tiêu?
+ Một khóa đào tạo 1-2 ngày rất khó cam kết chỉ tiêu cho khách hàng. Tuy nhiên, với những khóa đào tạo dài hơi chúng tôi dám cam kết điều này, chẳng hạn các khóa đào tạo chuyên sâu 3-6 tháng, thậm chí là một năm. Như DN chấp nhận theo đuổi khóa bán hàng theo thời gian này sẽ có được cam kết về chỉ số kinh doanh và các công cụ đo lường hiển thị theo thời gian thực để chứng minh tính hiệu quả.
TS Bùi Quang Tín cho rằng vì đặt mục tiêu phải tăng trưởng thần tốc nên một số doanh nhiệp dễ rơi vào tình trạng làm ăn chụp giật. Ảnh: QH
Kết nối các doanh nhân với nhau
. Chọn DN là đối tượng để đào tạo, huấn luyện hẳn là không dễ, thưa ông?
+ Chúng tôi xem một DN là khách hàng mục tiêu khi đáp ứng năm tiêu chí. Đó là họ phải có tiền, có quyền, có nhu cầu, thật sự thích thú và đặt niềm tin vào sản phẩm, dịch vụ của chúng tôi. Thiếu một trong năm yếu tố này cũng không thể trở thành khách hàng mục tiêu.
. Với mối quan hệ rộng, vậy ông có đóng vai trò là người môi giới cho các DN kết nối với nhau?
+ Một trong sức hấp dẫn của các trường đào tạo DN chính là đem lại khả năng kết nối các doanh nhân với nhau. Mối quan hệ được xem như là hệ sinh thái kinh doanh của DN. Do đó, chúng tôi đóng vai trò cầu nối kết nối giữa cung và cầu, kết nối giữa bên có nhu cầu về bất kỳ sản phẩm dịch vụ nào.
. Ông cân bằng vai trò một giảng viên và chuyện kinh doanh ra sao?
+ Thực chất nền tảng của gia đình là dân kinh doanh, nên tôi cũng đã sống trong môi trường đó nên có khả năng làm kinh doanh tốt. Tất nhiên mở trường cũng đồng nghĩa phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách hàng.
Có nghĩa là yếu tố phục vụ, lắng nghe khách hàng luôn đi đầu. Tất nhiên điều này thường đi ngược lại tố chất của người giảng viên, vì thông thường những người đứng trên bục giảng cái tôi của họ to lắm.
. Vậy tại sao ông không chọn ngành khác kinh doanh để không bị các mâu thuẫn như trên?
+ Tôi nghĩ nếu đi dạy cả đời chỉ xây dựng thương hiệu cá nhân và thương hiệu này chỉ tồn tại theo cuộc sống cá nhân đó. Còn thương hiệu DN dù cho cá nhân tạo ra thì DN đó tiếp tục phát triển, bởi một đội ngũ quản lý khác, nó có thể trường tồn. Vậy giữa một cái trường tồn và một thứ giới hạn về thời gian thì tôi chọn sự trường tồn và đó là lý do thành lập thương hiệu về giáo dục.
Biết đứng trên vai người khổng lồ
. Không ít người Việt thích làm giàu sau một đêm mà ít kiên trì đi từng bước để tạo ra thương hiệu cho thế hệ sau. Ông suy nghĩ điều này ra sao?
+ Không ít DN thiếu chiến lược, nguồn lực tài chính để trụ vững. Bên cạnh đó, họ thường thích đặt ra các mục tiêu hoành tráng, muốn tăng tốc nhanh để kiếm lợi nhuận chứ không đặt mục tiêu dài hạn.
Chính vì đặt mục tiêu phải tăng trưởng thần tốc nên dễ rơi vào tình trạng làm ăn chụp giật; bất chấp các nền tảng pháp lý như tuân thủ luật, hồ sơ thuế đầy đủ, hợp đồng lao động bài bản,…
Hơn nữa, vì chỉ lo bán sản phẩm, làm truyền thông mạnh trong khi sản phẩm bị lỗi nhiều nên dễ gặp sự cố. Nhiều DN nhanh lụi tàn vì khởi nghiệp theo hướng thiếu sự bền vững, thiếu yếu tố pháp lý, đội ngũ quản lý tốt, thiếu nguồn lực và đặc biệt thiếu việc tạo ra cộng đồng kinh doanh.
. Vậy theo ông cần có yếu tố nào để tạo sự bền vững cho DN?
+ Dưới góc nhìn của tôi, trước hết kinh doanh phải bắt đầu từ chữ “mượn”. Nghĩa là biết đứng trên vai người khổng lồ. Ví dụ khi anh sản xuất một mặt hàng, lúc mới ra chắc chắn thiếu nhiều thứ như đội ngũ quản lý, nguồn lực… và nếu bán được hàng cũng chỉ một nhóm khách hàng nhỏ hay người quen biết. Như vậy không bao giờ phát triển về mặt quy mô được. Vậy phải biết đưa sản phẩm qua hệ thống phân phối của người khác, như thông qua Tiki hay kết nối với Alibaba chẳng hạn.
Thứ hai là phải biết “giành”, nghĩa đen là giành giật thị trường. Chính xác hơn là khi đã mạnh lên thì phải phát triển thị trường, tăng thị phần, mở rộng miếng bánh kinh doanh… Cuối cùng là biết cách dẫn dắt khách hàng. Nghĩa là khi đã có vị thế trên thị trường phải làm sao đưa thương hiệu kết nối vững chắc trong tâm trí khách hàng.
. Xin cám ơn ông.
Muốn đi nhanh cũng… phải đi cùng nhau . Ông có nói rằng xây dựng trường từ tập hợp thương hiệu cá nhân, nếu có sự xung đột giữa các cá nhân và họ ra đi, mình làm sao giữ thương hiệu cho trường? + Chính việc biết được rằng sự xung đột thường xảy ra trong giai đoạn công ty phát triển, nó như một biểu đồ hình sin. Nghĩa là khi mới thành lập, những người góp vốn, tham gia ban đầu sẽ rất hòa thuận, vui vẻ nhưng khi công ty phát triển tốt sẽ có chuyện cãi nhau về quyền lợi, cách quản lý.
Dự báo được chuyện đó cho nên mình là người duy nhất góp vốn cho trường, còn những thành viên khác là những người quản lý, tư vấn, giảng viên. Họ cùng tham gia quản lý để trường phát triển lên và được hưởng theo công sức họ đóng góp. Người ta hay nói muốn đi xa thì đi cùng nhau, muốn đi nhanh thì đi một mình. Quan điểm của tôi rằng đi xa đi cùng nhau là hiển nhiên rồi nhưng muốn đi nhanh cũng phải đi cùng nhau. Nên đội ngũ bên mình đang quản lý đều tựa lưng nhau làm việc, không cá nhân nào vượt lên trên cá nhân nào. Cách quản lý của tôi là không dùng biện pháp hành chính mà là cùng nhau hiểu biết để làm việc, thì lúc đó tạo ra đội ngũ mạnh để đi cùng nhau. . Ông dường như là người tham công tiếc việc, vậy thời gian đâu cân đối giữa công việc và gia đình? + Tôi có đội ngũ hỗ trợ tối đa về công việc, tinh thần. Nghĩa là khi khó khăn họ cùng chia sẻ chứ không phải phản đối hay chống đối mình. Tôi cũng đặt mục tiêu làm gì thì cố gắng về nhà lúc 6 giờ tối nhưng thường chẳng bao giờ làm được, một tuần lễ hết 4-5 ngày về đến nhà là 12 giờ khuya. Tuy nhiên, tôi có may mắn là gia đình khá bền vững. Vợ giỏi và hiểu chuyện, chia sẻ gánh nặng của chồng trong cuộc sống và công việc. |