Sàn vàng bị đánh đồng với sòng bạc

Trong khi một số sàn giao dịch vàng đang chuẩn bị thành lập và ra mắt các nhà đầu tư thì Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã có kiến nghị lên Ngân hàng nhà nước và cho rằng đây như là một hình thức đánh bạc.

VAFI nói cấm, Hiệp hội Kinh doanh vàng nói ủng hộ?

Theo phân tích của VAFI thì phần lớn người đến tham gia đầu tư tại sàn vàng không phải là mua để tích trữ mà chủ yếu là để hưởng phần chênh lệch giá. Đây thực chất chỉ là hình thức đánh bạc và các sàn giao dịch vàng trở thành một sòng bạc hợp pháp. Không những thế, một lượng vốn nhàn rỗi phải tập trung vào đây mà không phải là để sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, VAFI đã đề nghị Ngân hàng nhà nước cấm các ngân hàng thương mại, cấm các công ty kinh doanh vàng thành lập sàn giao dịch vàng.

Tuy nhiên, trước đó trong buổi hội thảo kinh doanh vàng quốc tế diễn ra trong tháng 4 vừa qua, lại có nhiều chuyên gia vàng thế giới cũng như trong nước nhận định thị trường vàng ở Việt Nam đang rất tiềm năng và nên có nhiều sàn giao dịch vàng.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng vàng thế giới - Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, thì cho rằng sàn giao dịch vàng cũng mới chỉ có một sàn và chỉ khớp lệnh mua bán vật chất trong nước. Sàn giao dịch này cũng chưa liên kết được với thị trường vàng thế giới và thiếu rất nhiều hành lang pháp lý hướng dẫn. Hơn nữa, trong cơ chế hiện nay, thị trường nếu chỉ có một sàn dễ gây ra vấn đề bức xúc cho các nhà đầu tư.

Vậy nên, Hội đồng vàng hoàn toàn đồng ý có nhiều sàn và nên có một sàn trung tâm. Theo đó, sàn nào không sát với sàn thế giới thì sẽ bị nhà đầu tư tẩy chay. Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng Ngân hàng nhà nước nên ban hành quy chế tổ chức và điều hành các sàn giao dịch vàng. Các sàn này sẽ phải có sự liên kết với thị trường vàng thế giới thông qua các ngân hàng vàng quốc tế. Ngoài ra, sàn cũng cần phát triển nhiều phương pháp phòng ngừa rủi ro...

Đặc biệt, không nên có chuyện sàn giao dịch vàng thành lập một cách tràn lan như các sàn chứng khoán.

Còn theo ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, một trong những đơn vị dự kiến trong tháng 5 tới sẽ thành lập sàn giao dịch vàng, cho rằng có thêm sàn giao dịch vàng là để tạo nên sự minh bạch.

Ông Bình khẳng định nếu có nhiều sàn giao dịch thì giá vàng trong nước có thể sẽ dựa trên giá sàn. Chứ nếu để một hoặc hai đơn vị mà không đủ tiềm lực và chỉ dựa vào một lượng vàng vật chất mà quyết định giá của thị trường thì bất hợp lý. Nên một số công ty kinh doanh vàng có tiềm lực và ngân hàng quyết định thành lập sàn giao dịch vàng trên cơ sở cung cấp và thu phí.

Sàn giao dịch hay sòng bạc?

Bàn về vấn đề này, ông Trần Minh Tâm, chủ tiệm vàng tại quận 10 (TP.HCM) và cũng là nhà đầu tư trên sàn vàng ACB, cho biết nếu đánh giá việc tham gia đầu tư trên sàn vàng là đánh bạc thì đúng nhưng không thuyết phục. Bởi lẽ, một thực tế cho thấy ngay cả các nước trên thế giới cũng có rất nhiều sàn giao dịch vàng như sàn New York, Tokyo... Vậy tại sao các nước này họ không cho đó là hình thức đánh bạc? “Tôi thừa nhận các nhà đầu tư vàng trên sàn giống như đánh bạc nhưng đánh trong suy luận, tính toán và phải có kiến thức” - ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, sàn giao dịch vàng cũng như các kênh đầu tư khác, bất động sản hay chứng khoán... Và ở bất kỳ một kênh đầu tư nào cũng đều tiềm ẩn những rủi ro khi lời, khi lỗ. Nhà đầu tư nào nhận định đúng thì lời và ngược lại. Tuy nhiên, chúng ta bước vào một nền kinh tế thị trường, tức là cái gì làm ra lợi tức thì ta chấp nhận.

“Mỗi người có một nhận định và quan điểm khác nhau, tôi tôn trọng quan điểm đó. Tuy nhiên, xét về lĩnh vực chuyên môn thì có thể coi là một nhận định không am hiểu sâu về sàn vàng” - ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, khẳng định.

Ông Bảng giải thích thêm nhận định đó không hề nhìn trên một góc độ tổng thể. Trong khi Việt Nam đang là một nước có cơ chế thị trường và Chính phủ cũng đang thuyết phục quốc tế hóa thị trường Việt Nam, trong đó có thị trường vàng. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng lành mạnh hóa các giao dịch, kênh đầu tư một cách có tổ chức.

Theo ông Bảng, khi nhu cầu của người dân cũng như nhà đầu tư cần giao dịch mà pháp luật không cấm thì họ có quyền thành lập sàn vàng. Bất cứ một thị trường nào cũng có chuyện lời, lỗ. Nếu như quan niệm sàn vàng là sòng bạc thì có phải là chúng ta cũng đang phản bác lại tất cả kênh khác như bất động sản, chứng khoán, ngoại hối...? Đặc biệt, một số sàn vàng sắp tới thành lập sẽ hướng tới giao dịch qua tài khoản và hạn chế giao dịch vàng vật chất. Như vậy sẽ huy động được một nguồn vốn nhàn rỗi và cũng không phải nhập siêu vàng vật chất như trước đây. Tuy nhiên, trong sàn vàng của chúng ta nên ban hành quy chế khi thành lập và nhất định phải có hành lang pháp lý rõ ràng.

Trong thời gian tới, có thể một số đại diện của Ngân hàng nhà nước cùng Hiệp hội Kinh doanh vàng sẽ sang thăm sàn giao dịch vàng Thượng Hải để có thêm kinh nghiệm về cách tổ chức, ông Bảng cho biết.

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm