Thường vụ Quốc hội bàn về hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 16-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị quyết một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Đáng chú ý, hỗ trợ lãi suất cho DN là một trong những vấn đề mới được các đại biểu đưa ra thảo luận.

Phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu: Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn về dòng tiền nhưng chưa thấy đề xuất về gói hỗ trợ lãi suất. “Lợi nhuận của các Ngân hàng (NH) rất cao, vậy làm sao hài hòa lợi ích của DN và NH? NH thì lãi tăng trong khi DN thì khó khăn, vậy khả năng giảm lãi suất cho DN có khả thi hay không?” - ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề. 

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý khi ông hỏi cộng đồng DN thì được biết cái họ cần nhất lúc khó khăn này là dòng tiền.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại buổi thảo luận về dự thảo nghị quyết miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình rằng: Về gói hỗ trợ lãi suất, ông đã bàn với thống đốc NH Nhà nước nhưng cơ quan này nói gói hỗ trợ lãi suất đã từng có từ năm 2009 khi triển khai chương trình kích cầu. Tuy nhiên, gói này hiệu quả không cao, việc quản lý và thanh quyết toán khó nên NH Nhà nước đề nghị không triển khai.

“Hiện NH Nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với DN nên đề nghị không triển khai gói hỗ trợ lãi suất” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú thừa nhận DN hiện rất khó khăn. Ngày nào cũng nhận được kiến nghị hỗ trợ của DN, vì vậy gói hỗ trợ lãi suất vẫn là giải pháp rất quan trọng dù nhiều hay ít.

Tuy nhiên, theo ông Tú, bối cảnh năm 2009 so với hiện nay có những vấn đề cần cân nhắc, xem xét vì tổng dư nợ nền kinh tế hiện ở mức gần 10 triệu tỉ đồng. Trong đó, riêng năm lĩnh vực ưu tiên đang được hỗ trợ trong bối cảnh dịch bệnh khoảng 3,3 triệu tỉ đồng. Những lĩnh vực quan trọng như xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, cho vay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp rất cần thiết được hỗ trợ.

Vẫn theo ông Đào Minh Tú, quy mô tín dụng hiện nay rất lớn. Năm 2009 có gói hỗ trợ lãi suất khoảng 1 tỉ USD (tương đương khoảng 16.000 tỉ đồng lúc đó), thực hiện được 14.000 tỉ đồng nhưng đến nay chưa quyết toán được vì nhiều lý do.

Hiện nay, nếu chỉ hỗ trợ lãi suất cho khu vực DN chịu ảnh hưởng bởi dịch thì quy mô dư nợ khoảng 4 triệu tỉ đồng; còn khu vực DN ảnh hưởng đến mức khó khăn hơn 3 triệu tỉ đồng. Nếu hỗ trợ khoảng 1% lãi suất thì tương đương là 30.000 tỉ đồng.

“Nhu cầu vốn hiện nay của nền kinh tế rất lớn, nguồn lực lại có hạn nên phải chọn đối tượng cần để hỗ trợ, chẳng hạn như hỗ trợ sản xuất lương thực tại ĐBSCL, hỗ trợ sản xuất trong nông nghiệp” - ông Tú nói.

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”

Sau khi phó thống đốc NH Nhà nước giải trình, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói ngay: Cần tiếp tục rà soát xem chính sách tín dụng, lãi suất hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực bị tác động lớn nhưng chưa nằm trong diện ưu tiên. Ví dụ, trong ngành hàng không hiện mới chỉ có Vietnam Airlines được hỗ trợ, các hãng hàng không khác chưa nhận được.

Trong điều kiện bình thường, các hãng hàng không tư nhân cũng tạo doanh thu, kích thích tiêu dùng, du lịch, đóng góp cho ngân sách rất lớn; các lĩnh vực GTVT, nhất là đường bộ chịu tác động rất nặng nhưng chưa có gói nào; lĩnh vực lữ hành cũng vậy... Vì thế cần xem lại chính sách hỗ trợ có chọn lọc, có mục tiêu và tiếp tục giảm lãi suất cho một số lĩnh vực.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại buổi thảo luận về dự thảo nghị quyết miễn, giảm thuế cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng hỗ trợ lãi suất, tín dụng là chính sách tài khóa chứ không phải chính sách tín dụng thông thường. Chi bằng ngân sách rất ít nhưng kích hoạt rất lớn cho nền kinh tế, đặc biệt có ý nghĩa với một nhóm DN đang gặp khó khăn. Vietnam Airlines có được 4.000 tỉ đồng mừng hết biết, vậy nên các DN dạng này có thêm 1.000-2.000 tỉ đồng sẽ rất tốt.

“Tôi là người kiểm toán chính sách kích thích kinh tế, thực hiện kiểm toán gói hỗ trợ kinh tế. Có một vài khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn thực hiện được. Không được để những yếu kém của chúng ta mà không thực hiện chính sách đó. Hiện ngân sách vẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất thông qua công cụ tài khóa cho các NH như NH NN&PTNT, NH Chính sách xã hội, mỗi năm hàng ngàn tỉ. Không phải là khó, không thuyết phục” - ông Huệ phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn nhấn mạnh hiện nay dòng tiền khó khăn và mọi hỗ trợ cho DN đều là “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Dòng tiền quyết định chuyện tồn tại hay không tồn tại của DN.

Sau ý kiến này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đề nghị Bộ Tài chính và NH Nhà nước bàn bạc phối hợp về việc hỗ trợ lãi suất.

Đề xuất gói miễn, giảm thuế hơn 21.000 tỉ đồng

Tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16-9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế có tổng doanh không quá 200 tỉ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.

Tuy nhiên, không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình DN; chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV-2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.

Chính phủ cũng đề nghị giảm 30% thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1-10 đến hết 31-12-2021 đối với DN, tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành kinh tế bị ảnh hưởng do dịch COVID-19; đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

Tính chung việc thực hiện các đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỉ đồng.

Sau khi nghe các báo cáo và thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết với tỉ lệ tán thành 100%. Dự kiến dự thảo nghị quyết sẽ trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành trước thời điểm ngày 1-10.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm