TP.HCM đột phá để thành trung tâm tài chính quốc tế

“Với ý chí kiên cường, tinh thần năng động, sáng tạo, TP.HCM tự xác định trách nhiệm của mình phải nỗ lực nhiều hơn… và rút ngắn thời gian hình thành trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT)”. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh như trên tại diễn đàn “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” do UBND TP.HCM tổ chức ngày 18-10.

Khát vọng 20 năm

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay TP.HCM đã ấp ủ mục tiêu trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cách đây gần 20 năm. Do đó, ngay từ năm 2001, thị trường tài chính đã được xác định là một trong chín ngành dịch vụ chủ yếu của TP và ngay từ năm 1998, Sở Giao dịch chứng khoán đã được thành lập.

Tuy nhiên, ông Phong thừa nhận dù đã có mục tiêu từ rất sớm nhưng việc trở thành trung tâm tài chính là một quá trình phức tạp, khó khăn. Ví dụ, trong số 400.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên địa bàn có đến hơn 98% vừa và nhỏ.

Tỉ lệ ngân sách giữ lại cho TP cũng còn thấp. Cụ thể, tỉ lệ ngân sách TP được giữ giảm từ mức 26% giai đoạn 2007-2010 xuống còn 18% giai đoạn 2017-2020. Ngoài ra quy mô thị trường chứng khoán so với các nước trong khu vực vẫn còn khiêm tốn.

“Những yếu tố này cùng nhau làm giảm sức hấp dẫn của TP.HCM như một nơi sinh sống, giao dịch thương mại, kinh doanh và đầu tư. Do vậy, tác động tiêu cực đến triển vọng phát triển TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” - ông Phong nói.

Tuy nhiên, theo ông Phong, TP không thôi khao khát nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế và rút ngắn thời gian hình thành TTTCQT. Và đến thời điểm hiện nay đang có nhiều điều kiện thuận lợi để biến ước mơ thành hiện thực.

Có thể thấy điều này rất rõ qua một đánh giá của Trường ĐH Fulbright Việt Nam. Theo đó, trong ba thập niên kể từ đổi mới, TP.HCM vẫn duy trì vị thế tiên phong về phát triển kinh tế. Tính riêng trong năm 2018, xét về hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổng vốn huy động trên địa bàn TP.HCM chiếm 27,2% tổng vốn huy động cả nước. Trên thị trường vốn, tổng giá trị vốn hóa tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM chiếm 93,5% tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường và 57,4% GDP cả nước.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, đánh giá rất cao ý chí quyết tâm của TP.HCM trong khát vọng vươn mình trở thành một trung tâm tài chính. Điều này thể hiện tầm nhìn và tư duy đột phá của TP.HCM. TP dẫn đầu cả nước về GDP, thu hút đầu tư nước ngoài, thực hiện mạnh mẽ cải cách môi trường kinh doanh giúp tăng năng lực cạnh tranh. Đây là những yếu tố rất tốt để hỗ trợ cho mục tiêu trở thành trung tâm tài chính của cả quốc gia và xứng tầm trong khu vực.

“Tuy nhiên, còn một điều đặc biệt khác là Việt Nam có múi giờ không trùng với một trung tâm tài chính lớn nhất nào trên thế giới. Nếu tận dụng tốt cơ hội, TP.HCM có thể xoay chuyển dòng vốn quốc tế khi các thị trường tài chính khác trên thế giới đang nghỉ” - Bộ trưởng Dũng phân tích.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trò chuyện với các đại biểu tại diễn đàn “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” ngày 18-10. Ảnh: PM

Cần có cách tiếp cận khác

Theo các chuyên gia, một khi là TTTCQT rõ ràng TP sẽ thu hút nhiều tổ chức, định chế tài chính quốc tế hội tụ. Tuy vậy, theo TS Vũ Thành Tự Anh, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, TP có mục tiêu trở thành TTTCQT thì các nước trong khu vực cũng có tham vọng trở thành TTTCQT. Do vậy, muốn thành công phải có sự đột phá từ chính sách đến tầm nhìn, không chỉ nỗ lực từ TP.HCM mà cần sự ủng hộ của các bộ, ngành.

“Để hướng đến TTTCQT, TP cần có cách tiếp cận khác. Cụ thể là nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới, không theo lối mòn truyền thống, mà tìm một số thị trường ngách để tạo sự khác biệt và đột biến. Ngoài ra xây dựng một không gian sống, môi trường sống chất lượng cao vừa thu hút nhân lực quốc tế, vừa gia tăng vị thế thương hiệu của thị trường tài chính TP.HCM” - ông Anh gợi ý.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng để trở thành TTTCQT, TP.HCM cần đảm bảo nguồn nhân lực tương ứng cho thị trường tài chính và các dịch vụ hỗ trợ liên quan, đặc biệt là chuyên gia quốc tế. Đồng thời, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; cải thiện các chính sách liên quan đến thuế quan; điều tiết thị trường theo hướng minh bạch, độ tin cậy cao...

“Đặc biệt, TP.HCM cần tập trung phát triển các loại hình sản phẩm và dịch vụ tài chính, phát triển đa dạng và đồng bộ với các thị trường như thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường cổ phiếu; phát triển công nghệ quản lý tài sản; tăng cường mạng lưới toàn cầu của công nghệ tài chính; hoàn thiện hệ thống giám sát và các quy định tài chính” - ông Phong nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận định Việt Nam đang ở vị thế đang lên trên trường quốc tế và là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt và ổn định trong thời gian dài. Nếu làm tốt, đến năm 2045, Việt Nam có thể vào nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trên nền tảng này và riêng tại TP.HCM, đầu tàu kinh tế của cả nước càng có khả năng và điều kiện trở thành TTTCQT. “Để đạt mục tiêu trên, TP.HCM sẽ xây dựng nhiều nguồn lực để hỗ trợ như phát triển nguồn nhân lực tốt; xây dựng chính sách khuyến khích đổi mới trong lĩnh vực tài chính; hệ thống hạ tầng viễn thông tốt và sắp tới sẽ phát triển trí tuệ nhân tạo... Ngoài ra, các yêu cầu về kết nối giao thông tàu điện ngầm, sân bay quốc tế, TP thông minh cũng được TP triển khai” - ông Nhân cho hay.

Đưa ra cơ chế vượt trội hỗ trợ TP.HCM

Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM không chỉ là mong muốn của TP mà còn là nhiệm vụ của cả nước. TP.HCM hiện nay đã là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là trung tâm đi đầu về công nghệ và cải cách hành chính, giáo dục. Sự nghiệp đổi mới đất nước khởi đầu từ những sáng kiến và cải cách ở TP.HCM.

Do đó, muốn phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, phó thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành hợp lực, đưa ra cơ chế, chính sách vượt trội để hỗ trợ TP.HCM. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.