Vì sao FED giữ nguyên gói kích thích?

Vì sao FED giữ nguyên gói kích thích? ảnh 1
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, ông Ben Bernanke - Ảnh: News.
Kết thúc phiên họp chính sách, hôm qua (18/9), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố giữ nguyên quy mô chương trình nới lỏng định lượng (QE) cũng như lãi suất cơ bản gần bằng không thêm một thời gian nữa. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, với tỷ lệ phiếu thuận áp đảo, ngân hàng trung ương Mỹ quyết định tiếp tục thực hiện chương trình thu mua trái phiếu kho bạc và trái phiếu thế chấp hàng tháng trị giá 85 tỷ USD, cũng như trì hoãn quyết định thu hồi chương trình mua tài sản, nhằm thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng tiếp tục giữ mức lãi suất cơ bản gần 0%. Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã khiến các nhà đầu tư hoàn toàn bất ngờ, bởi trước đó đã có không ít nhận định rằng cơ quan này sẽ thực hiện việc cắt giảm các gói QE ngay trong tháng 9, và cuộc họp lần này chính là đi tới quyết định đó. Trong tháng 8, nhiều quan chức Cục Dự trữ chi nhánh các bang quan trọng cũng đã lên tiếng về động thái này, cho dù còn lấp lửng. Kể từ đầu năm 2013 tới nay, nền kinh tế đầu tàu thế giới đã có nhiều biến chuyển to lớn. Sự trở lại đầy lạc quan của các chỉ báo kinh tế, cùng với những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện, đã giúp các thị trường hàng hóa tăng mạnh. Trong đó, đặc biệt là thị trường chứng khoán, hàn thử biểu của nền kinh tế, đã tăng hơn 20% kể từ đầu năm đến giờ. Mặc dù vẫn có nhiều nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế Mỹ tới giờ vẫn chưa đủ mạnh, trong khi sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu còn khá yếu ớt, nên cho dù thảo luận về việc rút bỏ QE còn quá sớm. Theo các nhà phân tích này, thì mục đích của chương trình thu mua trái phiếu này là duy trì lãi suất cho vay dài hạn ở mức thấp, nhằm khuyến khích người dân ở Mỹ vay mượn và chi tiêu. Tuy nhiên, trong điều kiện nền kinh tế thế giới vẫn còn đang bấp bênh và khả năng phục hồi mạnh đang nằm ngoài tầm với, thì người dân dù ở bất cứ đâu cũng khó lòng tăng chi tiêu. Đó là chưa kể, trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển chưa hồi phục đủ mạnh, thì các thị trường mới nổi như Trung Quốc, động lực lớn cho thế giới vượt qua suy thoái, cũng đang chứng kiến sự đi xuống. Trên thực tế, theo kết quả điều tra công bố ngày 13/9 của trường Đại học Michigan và Thomson Reuters, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ, lực lượng đóng góp tới 2/3 vào hoạt động của nền kinh tế, ở thời điểm đầu tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất từ thời điểm tháng 4, chỉ còn có 76,8 điểm, thấp hơn mức 82,1 điểm trong tháng 8 và 80 điểm theo dự báo của các chuyên gia. Đây được xem là một dấu hiệu quan trọng cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã xuất hiện một loạt dấu hiệu cho thấy chiều hướng có thể phát triển chậm lại trong quý 3/2013. Chuyên gia kinh tế trưởng Scott Brown của công ty Raymond James & Associates Inc nói, người tiêu dùng Mỹ còn nhiều thứ phải lo lắng, nhất là áp lực lạm phát khi giá bán lẻ trong tháng trước tiếp tục tăng 0,2%. Đây là tháng thứ năm giá bán lẻ tại Mỹ liên tục tăng. Giá bán sỉ trong 12 tháng qua, tính đến tháng 8/2013, tăng tổng cộng 1,4%, trong đó riêng trong tháng 7 tăng 1,2%. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cũng đã có đủ cơ sở để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra những quyết định liên quan tới chương trình nới lỏng định lượng. Trong tuyên bố đưa ra hôm qua sau cuộc họp chính sách, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Ben Bernanke cho rằng, cơ quan này cần có thêm bằng chứng về sự phục hồi ổn định và vững chắc của nền kinh tế Mỹ. Theo ông, thị trường việc làm vẫn còn dưới kỳ vọng, do đó cơ quan này lo ngại, một khi các điều kiện kinh tế bị thắt chặt nhanh chóng, tăng trưởng chung sẽ bị ảnh hưởng. Chủ tịch Bernanke nhấn mạnh, “chúng tôi không có lịch trình cố định nào cả. Nếu như những dữ liệu việc làm và tăng trưởng đúng như kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu giảm kích thích trong năm nay”. Theo một số chuyên gia phân tích, thì ngân hàng trung ương Mỹ có vẻ như đang đặt kỳ vọng lớn hơn cho nền kinh tế đầu tàu, trước khi quyết định giảm các biện pháp hỗ trợ. Không dừng ở đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ còn quyết định hạ thấp các mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2013 và năm 2014. Cụ thể, theo nhận định của cơ quan này, trong năm nay nền kinh tế đầu tàu có thể tăng trưởng 2 đến 2,3%, thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 2,3 đến 2,6% được đưa ra hồi tháng 6. Dự báo tăng trưởng năm 2014 còn thấp hơn nữa, từ 2,9 tới 3,1%. Cục Dự trữ tái khẳng định sẽ chưa bắt đầu nâng lãi suất ít nhất cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 6,5% và lạm phát không có nguy cơ vượt mức 2,5%. Trong tháng 8, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ là 7,3%. “Kể cả sau khi giảm quy mô mua lại tài sản, cục dự trữ cũng đảm bảo vẫn nới lỏng chính sách để hoàn thành mục tiêu tối đa hóa số lượng việc làm và bình ổn giá”, ông Bernanke nói. Tuy nhiên, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng trấn an nhà đầu tư khi nói rằng nền kinh tế đã cải thiện dần trong vòng một năm qua và ngân hàng trung ương tin rằng, mức tăng trưởng sẽ được nâng lên trong tương lai gần. Hiện một vài nhà phân tích cho rằng, động thái bất ngờ hôm qua của ngân hàng trung ương Mỹ có thể là một bước đệm cho quyết định cắt giảm QE thực sự vào tháng 12 tới.
Theo Thanh Hải (VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm