Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan vừa có công văn do ông Nguyễn Ngọc An, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vissan, ký gửi đến Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) và cơ quan chức năng liên quan, báo cáo về tình hình diễn biến dịch COVID-19 từ 19-7 đến 22-7 tại đơn vị này
Công văn này nêu rõ, từ ngày 28-6, đơn vị này thực hiện phương án "3 tại chỗ" duy trì việc cung ứng hàng hóa cho thị trường. Tuy nhiên từ ngày 17-7 đến nay nay, đã có 43 ca F0 được phát hiện, công ty đã tiến hành truy vết và phát hiện 357 F1 và 351 F2 có liên quan.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, với thực trạng như hiện nay, gần như toàn bộ lực lượng lao động tại công ty thuộc đối tượng F1, F2, đặc biệt tại các đơn vị sản xuất gần như tê liệt hoàn toàn. Vì vậy, Vissan đề xuất hai phương án, bao gồm:
Phương án đầu tiên: Công ty sẽ đưa toàn bộ các trường hợp F0 cách ly tập trung theo quy định.
Các nhân sự còn lại sẽ thực hiện xét nghiệm sàng lọc, sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, công ty sẽ bố trí các nhân sự này vào những khu vực riêng biệt theo từng dây chuyền hoặc phân xưởng để tiếp tục sản xuất. Các đối tượng này sẽ được xét nghiệm định kỳ 3 ngày một lần.
Tiếp tục bóc tách, phân lập những nhân sự có kết quả âm tính tập trung lại với nhau thành các khu riêng biệt độc lập để đảm bảo an toàn cho người lao động.
Hiện tại, công ty đang cố gắng khắc phục tối đa những khó khăn trong đảm bảo thực hiện giãn cách, khu nhà vệ sinh, tắm giặt dùng chung trong công tác phòng, chống dịch. Với phương án này, thuận lợi là công ty sẽ có thể tiếp tục duy trì sản xuất dù có thể giảm sản lượng do thiếu hụt một số nhân sự vì phải đi cách ly.
Tuy nhiên, Vissan cũng chỉ ra khó khăn khi thực hiện phương án này là cần có sự thống nhất của toàn bộ người lao động cùng ở lại công ty, tiếp tục thực hiện phương châm 3 tại chỗ và được hỗ trợ từ Trung tâm Y tế Bình Thạnh trong việc xét nghiệm sàng lọc trong thời gian họ ở lại công ty.
Phương án hai được đơn vị này đề xuất là gửi các ca thuộc đối tượng F1 về địa phương sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính và cách ly F2 không được sản xuất theo quy định.
Theo đó công ty đề nghị được dừng sản xuất cho đến khi số lượng F1 và F2 hết thời hạn cách ly được quay trở lại làm việc.
Nếu thực hiện phương án này công ty có khả năng ngừng hoạt động từ 3 đến 4 tuần.
Vissan là doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng cho hệ thống siêu thị, kênh truyền thống và 600 điểm bán trên địa bàn TP.HCM. Tổng số lượng nhân viên của Vissan là 1.500 người.
Những năm trước đây, mỗi ngày TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con heo trong đó, lượng heo giết mổ hàng ngày tại các nhà máy của Vissan đạt 1.000 con. Từ năm 2020, do ảnh hưởng dịch, sức tiêu thụ giảm nên lượng lợn giết mổ của Vissan chỉ 600-700 con một ngày.
Theo số liệu từ Vissan, vào những ngày trước khi có nhiều ca nhiễm bệnh, mỗi ngày Vissan cung ứng ra thị trường 1.500 con heo, lượng giết mổ này đã tăng gấp 2,5 lần so với trước đây. Thực phẩm chế biến cũng tăng hơn 20% so với trước, tương ứng số lượng 100 tấn mỗi ngày.
Được biết, sản lượng Vissan cung ứng chiếm 26,55-28,6% lượng tiêu thụ ở TP.HCM. Theo khảo sát, sáng 28-7 nhiều ít các siêu thị, cửa hàng có cung cấp thịt heo Vissan tại Gò Vấp không có hàng, do nhà cung cấp liên tục gặp sự cố.
Tuy nhiên trao đổi với PLO, một lãnh đạoSở Công thương TP.HCM cho biết, hiện nguồn thịt heo cung ứng cho TP.HCM không thiếu, các sơ sở giết mổ gia súc vẫn đủ công suất cung ứng thịt cho toàn thành phố.