LTS: Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 24-2 có bài “Đề nghị Ủy ban Tư pháp giám sát kỳ án giết người Tuyên Quang” phản ánh việc năm công dân được đình chỉ điều tra nhưng không được xin lỗi, bồi thường oan. Số báo này, chúng tôi giới thiệu bài phân tích của TS Phan Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Luật hình sự,ĐH Luật TP.HCM - về việc các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang né trách nhiệm bồi thường oan trong vụ án này.
Vấn đề quan trọng nhất trong vụ án này là năm công dân có thực hiện hành vi dẫn đến cái chết cho nạn nhân hay không (cố ý gây thương tích hoặc giết người). Nếu năm người này không có hành vi nêu trên thì không cấu thành tội phạm nào, không phạm tội nào, có nghĩa là bị oan.
Nếu gây hậu quả chết người thì phải có tội
Giả định các bị cáo thực hiện hành vi gây chết cho nạn nhân với nội dung: “Tháng 3-2015, cơ quan điều tra (CQĐT) thay đổi quyết định khởi tố năm người từ tội giết người sang cố ý gây thương tích. Tại kết luận điều tra mới, CQĐT cho rằng khi phát hiện đánh nhầm người, các bị can bỏ về vì sợ bị phát hiện chứ không bàn bạc giết nạn nhân như trước nữa”. Và với chứng cứ “năm bị can đánh nạn nhân tử vong, sau đó đưa lên đồi cho uống thuốc diệt cỏ để tạo hiện trường giả” (cáo trạng của VKSND tỉnh Tuyên Quang) thì việc đánh nạn nhân gây chết là hành vi (theo giả định) có đủ dấu hiệu của một trong hai tội:
1) Tội giết người (Điều 93 BLHS năm 1999) với hành vi cố ý đánh nạn nhân chết (dù có mong muốn hay để mặc hậu quả xảy ra);
2) Hoặc tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người (khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999).
Cạnh đó, hành vi (nếu có) gây chết người của các bị cáo thực hiện vào năm 2012 nên phải áp dụng quy định của BLHS năm 1999. Vậy đây có phải là trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc giết người hay không?
Theo tôi, với mô tả của cáo trạng “năm bị can đánh nạn nhân tử vong, sau đó đưa lên đồi cho uống thuốc diệt cỏ để tạo hiện trường giả” thì trường hợp này tội giết người đã hoàn thành. Vì vậy, không có cơ sở để cho rằng trường hợp này là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người (Điều 16 BLHS năm 1999) để miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người (Điều 93 BLHS) và chuyển tội danh sang tội cố ý gây thương tích (Điều 104 BLHS).
Ngay cả trong trường hợp có đủ điều kiện tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội giết người thì tội cố ý gây thương tích trong trường hợp này do việc đã gây ra hậu quả nạn nhân chết phải thuộc trường hợp tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người theo khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999. Tức là cố ý với hành vi nhưng vô ý với hậu quả chứ không thể ở khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999. Nói cách khác, không thể tách hậu quả nạn nhân chết ra khỏi vụ án để chỉ lấy phần gây tổn thương cơ thể trên tử thi của nạn nhân là 6% để kết luận các bị cáo chỉ phạm tội cố ý gây thương tích ở khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999.
Như vậy, với giả định nếu các bị cáo có hành vi gây chết cho nạn nhân thì việc đình chỉ vụ án này có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội giết người (Điều 93 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích với trường hợp dẫn đến chết người (khoản 3 Điều 104 BLHS năm 1999).
Ba trong số năm công dân trong kỳ án giết người được đình chỉ nhưng chưa được bồi thường oan. Ảnh: TUYẾN PHAN
Đình chỉ vụ án với căn cứ sai luật
Về căn cứ pháp lý đình chỉ vụ án, theo quy định tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS năm 2003 thì đình chỉ vụ án khi có đủ các điều kiện: 1) các bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích ở khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 và 2) có yêu cầu của người bị hại hoặc của người đại diện hợp pháp của người bị hại (là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất).
Thứ nhất, như trên đã phân tích, với giả định các bị cáo đánh chết nạn nhân thì trong mọi trường hợp các bị cáo phạm tội giết người (Điều 93 BLHS) hoặc phạm tội cố ý gây thương tích trong trường hợp dẫn đến chết người (khoản 3 Điều 104 BLHS). Do đó, không có cơ sở để xác định các bị cáo phạm tội theo khoản 1 Điều 104 BLHS năm 1999 để có thể đình chỉ vụ án.
Thứ hai, vợ nạn nhân (đã chết) không phải là “người bị hại” hoặc “người đại diện hợp pháp của người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất” nên không phải là chủ thể để yêu cầu khởi tố vụ án theo khoản 1 Điều 105 BLTTHS 2003. Vì vậy, việc vợ nạn nhân rút đơn yêu cầu (khởi tố) không có giá trị pháp lý để cơ quan tố tụng đình chỉ vụ án.
Như vậy, đối chiếu với cả hai điều kiện về đình chỉ vụ án do có quy định tại khoản 1 Điều 105 BLTTHS 2003 thì trong vụ án này cả hai điều kiện đều không đáp ứng. Nói cách khác, việc đình chỉ vụ án này là không đúng quy định của pháp luật.
Hoặc bỏ lọt tội phạm, hoặc làm oan người vô tội
Theo quyết định đình chỉ vụ án hình sự ngày 11-3-2015 thì các bị cáo bị đình chỉ về tội cố ý gây thương tích (khoản 1 Điều 104 BLHS) do có đơn đại diện của bị hại (vợ bị hại). Như đã phân tích ở trên, việc đình chỉ này là không đúng quy định của pháp luật.
Có thể nói trong vụ án này, nếu các bị cáo có tội thì không thể đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can mà phải xử lý hình sự về tội giết người (Điều 93 BLHS) hoặc tội cố ý gây thương tích (khoản 3 Điều 104 BLHS). Có nghĩa là các cơ quan tố tụng tỉnh Tuyên Quang đã bỏ lọt tội phạm khi ra quyết định đình chỉ vụ án.
Còn nếu không chứng minh được các bị cáo phạm tội thì có nghĩa là các cơ quan tố tụng liên quan phải bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017.
Tóm lại, các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng liên quan của tỉnh Tuyên Quang phải bị xử lý trách nhiệm một trong hai trường hợp: hoặc là bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Phải chăng vì vậy mà những người liên quan trong vụ án này đã tìm mọi cách để đình chỉ vụ án theo yêu cầu của bị hại không đúng pháp luật nhằm né tránh trách nhiệm bị xử lý?
Đình chỉ điều tra nhưng không được bồi thường Tháng 7-2012, ông Đặng Văn Cường (trú xã Bằng Cốc, huyện Hàm Yên) chết tại nhà không rõ nguyên nhân. Hai tháng sau, từ một lá đơn tố giác nặc danh, năm công dân trên lần lượt bị bắt, khởi tố về tội giết người. Trải qua hơn 10 lần xét xử sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kêu oan, tố bị mớm cung, ép cung. TAND tỉnh Tuyên Quang nhiều lần tuyên trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đến tháng 3-2015, CQĐT thay đổi quyết định khởi tố năm người từ tội giết người sang cố ý gây thương tích. Tiếp đó, vụ án xuất hiện tình tiết vợ nạn nhân xin rút yêu cầu khởi tố. CQĐT ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can đối với cả năm công dân. Sau khi được trả tự do, năm người liên tục gửi đơn thư, gõ cửa các cơ quan tố tụng để kêu oan nhưng không được chấp nhận nên đã khởi kiện VKSND tỉnh Tuyên Quang. Tháng 11-2019, TAND tỉnh Tuyên Quang mở phiên tòa xét xử và quyết định đình chỉ vụ án dân sự nêu trên vì chưa đủ điều kiện khởi kiện. Tòa cho rằng các quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can và kết luận điều tra đều không có nội dung xác định các nguyên đơn bị oan sai và thuộc trường hợp được bồi thường. |